(GLO)- Những chuyến làm việc liên tiếp ở cơ sở từ cuối năm 2015 đến nay cùng những chỉ đạo hết sức sâu sát, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, đặc biệt là của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đối với Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trong tỉnh đã cho thấy sự quyết tâm rất lớn trong việc triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.
Những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt
Nhìn lại những chuyến làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở các địa phương trong tỉnh từ cuối năm 2015 đến nay, điều dễ nhận thấy là “căn bệnh” chung chung, đại khái đã hoàn toàn được dẹp bỏ. Trong các buổi làm việc, với cương vị là người chủ trì, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang luôn yêu cầu lãnh đạo địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết, thậm chí đến từng con số về từng vấn đề, cả khó khăn và thuận lợi. Trên cơ sở này và các ý kiến tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng đi, Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra những chỉ đạo vừa xác thực, vừa quyết liệt để cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (giữa) thị sát Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Thái Bá Dũng |
Một trong những vấn đề mà Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong suốt năm 2016 là việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tất cả các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng nông thôn mới, đồng thời giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể cho từng đơn vị. Trong số này, thị xã An Khê với những điều kiện được xem là hết sức thuận lợi phải đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018. Đối với các huyện Kbang, Đức Cơ, Đak Pơ, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải hoàn thành chương trình trong năm 2020. Các huyện Chư Pưh, Ia Pa, Kông Chro mỗi năm phải có ít nhất 1 xã đạt chuẩn; huyện Krông Pa mỗi năm phải có 2 xã đạt chuẩn; huyện Chư Pah và huyện Ia Grai phấn đấu đến năm 2020 lần lượt có 80% và 50% số xã đạt chuẩn…
Song song với đó, Bí thư Tỉnh ủy còn yêu cầu các địa phương huy động mọi nguồn lực, tập trung triển khai các giải pháp để giúp người dân, nhất là các hộ chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo. Theo đó, các địa phương phải giúp 100% hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Nếu hộ nghèo không biết sử dụng vốn thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ họ sử dụng vốn hiệu quả, làm cơ sở, động lực để vươn thoát nghèo. Bí thư Tỉnh ủy cũng giao chỉ tiêu cho các địa phương, cụ thể, huyện Krông Pa phải phấn đấu giảm 8%/năm; huyện Kông Chro giảm 7%/năm; các huyện Kbang, Ia Pa giảm 5%/năm; các huyện Đak Pơ, Phú Thiện, Chư Pah giảm 4%/năm; huyện Đức Cơ giảm 3%/năm…
Trong sản xuất nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể căn cứ trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Theo đó, những huyện có ưu thế về phát triển cây công nghiệp dài ngày như Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Mang Yang… cần đẩy mạnh tái canh cây cà phê, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Những địa phương nằm trong vùng nguyên liệu mía cần tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đến năm 2017, chỉ tiêu cánh đồng mía lớn của huyện Phú Thiện phải đạt 1.000 ha, Kông Chro 200 ha, Kbang 100 ha… Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương trong quá trình nhân rộng cánh đồng mía lớn cần chú ý đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, không để cánh đồng lớn chỉ là “cánh đồng của người giàu”. Riêng với huyện Phú Thiện, năm 2017 phải đưa 1/5 diện tích lúa vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn và cần sớm xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.
Năm 2016, một trong những vấn đề “nóng” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo rất sát sao là công tác quản lý, bảo vệ rừng. Làm việc với các huyện Đức Cơ, Mang Yang, Chư Pưh, Phú Thiện-những địa phương có nhiều người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải thu hồi diện tích bị lấn chiếm và triển khai trồng rừng theo kế hoạch. Đối với huyện Krông Pa-một trong những “điểm nóng” về tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo huyện cần nỗ lực triển khai các giải pháp để năm 2017 trên địa bàn huyện không còn tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy, lâm tặc chặt phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; giao cho huyện, ngành chức năng tiến hành kiểm tra tất cả các xưởng gỗ, mộc trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng gỗ rừng tự nhiên để chế biến. Còn tại huyện Kbang-nơi mà nhiều năm qua liên tục xảy ra các vụ chặt hạ gỗ hương, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh, huyện không được để mất rừng, mất gỗ, không để dân phá rừng làm nương rẫy. Nếu huyện để xảy ra tình trạng trên, tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu…
Ngoài các vấn đề trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế của các địa phương. Đó là việc đảm bảo an ninh biên giới ở các huyện Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai; xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” ở huyện Mang Yang và Đak Pơ; ngăn chặn hoạt động phục hồi của các đối tượng FULRO, không để người dân vượt biên ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Grai, Ia Pa…; ngăn chặn, giải quyết triệt để tín dụng “đen” ở Phú Thiện, Ia Pa, Kông Chro; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở TP. Pleiku, huyện Chư Pah…
Hiệu ứng tích cực
Những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang có thể coi là “mệnh lệnh hành động” buộc lãnh đạo các địa phương trong tỉnh phải nỗ lực nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở một phương diện khác, sự sâu sát, quyết liệt ấy còn trở thành một hiệu ứng tích cực lan tỏa trong đội ngũ lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương thời gian qua.
Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy: Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, tôi thấy các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xuống cơ sở đã nhiều hơn, có huyện chỉ trong mấy tháng nhưng đi đến 2-3 lần. Khi xuống cơ sở, lãnh đạo bao giờ cũng lắng nghe ý kiến, kiến nghị của địa phương để có hướng giải quyết. Nhờ đó, tình hình những tháng cuối năm của tỉnh đã có sự chuyển biến tốt hơn, những vấn đề lớn được xúc tiến và giải quyết nhanh hơn. Dư luận nhân dân rất hoan nghênh và đặt lòng tin vào những thay đổi tích cực này. |
Tại Kbang, ngay sau buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy cuối tháng 10-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã khẩn trương chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy. Đến nay, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Bí thư Tỉnh ủy giao. Đơn cử như trong trong việc thực hiện cánh đồng mía lớn, niên vụ 2016-2017, UBND huyện Kbang đã giao chỉ tiêu cho 7 xã gồm: Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Tơ Tung, Nghĩa An, Đak Hlơ, Lơ Ku và xã Đông thực hiện với diện tích ở mỗi xã là 30 ha trở lên, vượt hơn 2 lần so với nhiệm vụ được giao. Huyện cũng đã nỗ lực triển khai xây dựng được 59 căn nhà cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở trong năm 2016 và sẽ hoàn thành nốt những hộ còn lại trước ngày 27-7-2017. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ các hộ chính sách thoát nghèo, kết quả trong năm 2016 có 67 hộ thoát nghèo. Đối với 54 hộ còn lại, huyện giao cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp giúp đỡ để nhanh chóng thoát nghèo…
Không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy giao, trong năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang còn xây dựng chương trình làm việc với các xã, thị trấn của huyện. Những buổi làm việc này đều có sự tham gia của lãnh đạo nhiều ban, ngành của huyện. Nhờ đó, những vấn đề vướng mắc phát sinh ở cơ sở đã được quan tâm giải quyết kịp thời, thấu đáo.
Giống như ở Kbang, thời gian qua, lãnh đạo nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Thay vì ngồi bàn giấy chỉ đạo, nhiều trường hợp như Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Dương Mah Tiệp… đã trực tiếp có mặt tại các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, kỷ luật những cán bộ cấp dưới sai phạm trong thực thi công vụ.
*
* *
Có thể nói, sự sâu sát, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thể hiện trong những chuyến công tác ở cơ sở đã nhận được sự cộng hưởng rất lớn từ đội ngũ lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Và khi bộ máy các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đều chuyển động tích cực, tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên được nâng cao, đấy chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào những thành công của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Vĩnh Phúc