Gia Lai: Nhiều cách làm hay của phụ nữ thành phố Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Người có giúp người khó, người khó ít giúp người khó nhiều, ai có gì giúp nấy”, với phương châm ấy, Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku đã tạo nên phong trào “phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” sâu rộng trong hội viên. 5 năm qua (2010-2015), các cấp Hội đã giúp cho 567/1.294 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.

Mô hình “Đàn bò giống”

Nắm bắt nhu cầu của hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số luôn mong muốn được hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phân bón, nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo, cách đây 6 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku đã triển khai xây dựng mô hình “đàn bò giống”-trao bò giống đến tận tay hội viên nghèo. Đây được xem là mô hình mới, có tính thiết thực và sát với nhu cầu thực tế của phụ nữ nghèo cơ sở. Bước đầu, Hội đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ tiền và mua 6 con bò giống trao cho hội viên nghèo của 2 xã: Chư Á và Ia Kênh. Cùng với đó, Hội cũng hỗ trợ gia đình làm chuồng trại nuôi, nhốt và thức ăn ban đầu cho bò.

 
Ảnh: Phương Dung

Ngày nhận bàn giao bò, hầu hết các hộ gia đình đều bật khóc vì xúc động. Có lẽ vì cái họ nhận không đơn thuần là một con bò mà đó là cả một gia tài to lớn. Đứng bên cạnh con bò giống vừa nhận, chị H’Blim (làng Mơ nú, xã Chư Á)-một trong 6 hội viên phụ nữ được Hội chọn để trao bò giống đợt đầu tiên-đã bật khóc mà tâm sự rằng: Con bò này không chỉ là vốn liếng mà còn là niềm hy vọng của 7 thành viên trong gia đình chị. Họ đều mong chờ những chú bê con ra đời sẽ giúp cuộc sống gia đình được cải thiện và cây trồng trong vườn nhờ nguồn phân bón cũng sẽ bớt cằn cỗi mà thêm xanh tốt… Cũng giống như chị H’Blim, hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thùy (thôn 3, xã Trà Đa) cũng khá éo le: chồng bị bệnh tim, con còn nhỏ, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được Hội hỗ trợ bò giống, gia đình chị đã  kiên trì đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Bà Lê Thị Toan-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Pleiku, cho biết: Hiện nay mô hình “đàn bò giống” do Hội xây dựng đã lên đến 49 con và nhiều con đang trong giai đoạn sinh sản. Số bò giống này chủ yếu là trao cho những hội viên phụ nữ nghèo ở các xã, ưu tiên cho hội viên nghèo người dân tộc thiểu số. Bò giống sau khi đẻ bê con thứ hai thì Hội sẽ lấy con bê ấy và giao cho hộ nghèo khác, còn bò mẹ và con bê đầu tiên vẫn thuộc về hộ gia đình đang nuôi. Cũng theo bà Lê Thị Toan, mô hình “đàn bò giống” đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên.

“Cầu nối” giúp hội viên thoát nghèo

Ngoài xây dựng mô hình “đàn bò giống”, các cấp Hội còn là “chiếc cầu nối” để giúp hội viên có thể tiếp cận với kiến thức, nguồn vốn và những mô hình, cách làm hay… Hàng năm, Hội đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên có thêm kiến thức để phát triển sản xuất; đồng thời, Hội cũng thường xuyên tổ chức cho chị em đi tham quan, học tập các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình kinh tế mới ra đời, như: nuôi heo trên đệm lót sinh học, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, trang trại trồng cà phê-cây ăn trái-chăn nuôi…

Bên cạnh đó, Hội còn đặc biệt chú trọng đến hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bởi, nếu không có nguồn vốn thì hội viên khó có thể duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng này là 93,303 tỷ đồng cho 4.861 hộ vay, duy trì 85 triệu đồng quỹ “vì phụ nữ nghèo”.

Đặc biệt, với phương châm “Người có giúp người khó, người khó ít giúp người khó nhiều, ai có gì giúp nấy”, các cấp Hội đã phát động nhiều phong trào “Hướng về cơ sở” mang tính thiết thực như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”… Cụ thể, 5 năm qua, toàn thành phố đã giúp cho 3.141 lượt hộ “phụ nữ nghèo có địa chỉ” với 40.231 ngày công, 10.231 con giống, 216.939 cây giống, cho 699 chị vay không lãi với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và 122 chỉ vàng; xây dựng 39 điểm “3 trong 1”.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015, các cấp Hội đã phối hợp vận động 480 chị tham gia đào tạo nghề; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho 3.571 chị; mở 20 lớp về may mặc, trồng và chăm sóc cà phê, bảo quản thực phẩm, tin học ứng dụng… Với những cách làm hay, 5 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã giúp cho 567/1.294 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm