Gia Lai: Nhiều trở ngại trong phòng-chống HIV/AIDS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đối phó với đại dịch HIV/AIDS, những năm qua, Ban Chỉ đạo Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng-chống “căn bệnh thế kỷ” này.

Theo đó, ngành Y tế phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội để cùng chung trách nhiệm, lồng ghép hoạt động phòng-chống HIV/AIDS vào nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức xét nghiệm giám sát, phát hiện và xét nghiệm giám sát trọng điểm cho gần 10.000 mẫu máu để phòng tránh HIV; đồng thời, đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế. Cùng với đó, Trung tâm tổ chức 1 phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện miễn phí trên cơ sở đảm bảo bí mật thông tin cá nhân người đến khám.

Tỉnh Gia Lai cũng đã đưa vào vận hành cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trại giam Gia Trung cung cấp đầy đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Hệ thống y tế cơ sở chịu trách nhiệm thường xuyên đến thăm khám, tư vấn, động viên và chăm sóc sức khỏe cho những người bị nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.
 

Cán bộ y tế tuyên truyền biện pháp phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: T.Đ
Cán bộ y tế tuyên truyền biện pháp phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: T.Đ

Mặc dù công tác phòng-chống HIV/AIDS đã được triển khai một cách sâu rộng nhưng số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn không ngừng gia tăng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.351 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 458 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 280 người đã chết.

“Hầu hết những người nhiễm HIV là thanh niên từ 20 đến 39 tuổi và thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao là gái mại dâm, nghiện chích ma túy; có cả một số ít thanh niên hư hỏng là người dân tộc thiểu số”-bác sĩ Bá Tường Đăng Phong-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh cho biết. Điều đáng lo ngại là số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện và quản lý chỉ như “bề nổi của tảng băng chìm”, còn thực tế ngoài xã hội con số người nhiễm HIV có thể nhiều hơn nữa.

Trên thực tế, cộng đồng còn nặng tâm lý kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV. Chính vì thế, đa số người bệnh vẫn còn mang nặng tâm lý e ngại, giấu bệnh. Do đó, số người bệnh được xem là “mất dấu” mà ngành Y tế không quản lý được vẫn còn cao, là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.

Cùng với những trở ngại trên, “kinh phí của chương trình phòng-chống HIV/AIDS ngày càng bị cắt giảm đi nhiều. Riêng năm 2016, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về HIV không được cấp kịp thời đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng-chống HIV/AIDS”-bác sĩ Bá Tường Đăng Phong cho biết.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm