(GLO)- 29 Tết, trong lúc mọi nhà đang quây quần chuẩn bị bày biện mâm cỗ mời đón tổ tiên, ông bà cùng về đón Tết với gia đình theo phong tục truyền thống Việt Nam, thì bên ngoài đường phố, bệnh viện nhiều người vẫn hì hục công việc của mình để cho mọi người vui xuân đón Tết đầm ấm.
Đón Tết tại Bệnh viện
Sáng 29 Tết, theo số liệu từ Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, hiện còn trên 400 bệnh nhân mắc bệnh nặng phải nằm điều trị và ăn Tết tại bệnh viện. Để đảm bảo túc trực theo dõi sức khỏe cho người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện đã tổ chức phân công lịch trực đến từng khoa, phòng, trong đó các khoa khám cấp cứu, ngoại, sản… phải “gánh” nặng nhất bởi cứ vào dịp Tết từ mồng 2 đến mồng 7 số ca tai nạn giao thông nhập viện tăng đột biến. Theo đó các y, bác sĩ phải “gồng” mình tập trung cứu chữa khi có bệnh nhân nhập viện.
Nhiều bệnh nhân và người thân sẽ ăn Tết ở bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Giác |
Chính từ tinh thần trách nhiệm đó, không ít y, bác sĩ đã nhiều năm không đón giao thừa hay về quê đón Tết cùng gia đình trong những ngày Xuân. Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ- Khoa khám, cấp cứu (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh) cho biết: Ngoài việc thực hiện sự phân công của đơn vị thì làm việc trong những ngày Tết phần lớn là vì tinh thần trách nhiệm cùng nhau gánh vác. Bên cạnh áp lực về lượng bệnh nhân tăng đột biến với nhiều trường hợp nguy cấp phải chẩn đón, cấp cứu kịp thời thì không ít thân nhân tức giận, đập phá, cản trở khi làm việc, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc cứu chữa. Theo bác sĩ Mỹ, qua 10 năm công tác thì có đến phân nữa thời gian anh cùng các đồng nghiệp túc trực tại bệnh viện vào các ngày Tết và đã 4 năm liền không cùng gia đình về quê.
Cấp cứu bệnh nhi vào chiều 28 Tết. Ảnh: Nguyễn Giác |
Trong số hơn 400 bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện thì có nhiều trường hợp phải hỗ trợ bằng máy và luôn có người thân túc trực bên cạnh phòng. Mệt mỏi, nằm thiếp bên cạnh bà đang điều trị tại Khoa Hồi sức Trung tâm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau một đêm thức trắng, khi nghe thấy có người tới gần, Bích Châu người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Dũng 86 tuổi gượng ngồi dậy và cho biết: Bà nhập viện đã nữa tháng, công việc mấy ngày Tết ai cũng bận rộn và cùng nhau chăm sóc bà, dù mệt nhưng cả nhà đều vui mừng vì bà vẫn khỏe để cùng đón năm mới cho dù đó là ở bệnh viện.
Để hỗ trợ cho bệnh nhân đón Tết tại Bệnh viện trong những ngày Xuân, ngoài số kinh phí được tỉnh hỗ trợ 300 ngàn/bệnh nhân điều trị thì các bệnh nhân thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số được Quỹ HEMA (dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo do Ủy ban châu Âu tài trợ) hỗ trợ tiền ăn và trước giờ giao thừa còn có thêm nhiều tổ chức, cá nhân đến thăm tặng quà cho bệnh nhân và đây là niềm động viên an ủi rất lớn đối với mọi người đón Tết tại bệnh viện, kể cả đội ngũ y- bác sĩ trực.
Ngày Tết- túc trực ngoài đường phố
Ngoài việc đảm bảo cho sức khỏe người tại bệnh viện của các thầy thuốc, thì ngoài đường phố những ngày này và cả ngày Tết những công nhân quét dọn vệ sinh, cảnh sát giao thông… luôn phải bám đường cho thành phố sạch đẹp, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật và giảm thiểu tai nạn giao thông. Riêng lực lượng Đội Cảnh sát Giao thông Trật tự, Công an TP.Pleiku là khá vất vả bởi nhân lực mỏng nhưng phải tuần tra, phân luồng đảm bảo thông thoáng cho hàng ngàn người dân từ các nơi ùa về sân Bảo tàng tỉnh- nơi diễn ra lễ hội đón giao thừa năm nay.
Đội ngũ công nhân làm mới làn đường đi bộ. Ảnh: Nguyễn Giác |
Trung úy Nguyễn Trung Kiên (Đội Cảnh sát Giao thông, trật tự- Công an TP. Pleiku) tâm sự: Năm nào cũng vậy, cả đội phải tỏa ra các chốt để làm nhiệm vụ, tối về phải phân luồng đảm bảo không để ách tắt giao thông trước và sau giao thừa, đến lúc đó anh em cả Đội cũng mệt nhoài nhưng phải tiếp tục đảm bảo sức khỏe cho những ngày trong Tết.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Không riêng gì với lực lượng an ninh, cảnh sát phải tung hết lực lực đảm bảo an toàn cho người dân đón Tết mà cả trăm công nhân của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị TP.Pleiku cũng tỏa ra khắp các tuyến đường, đến từng ngõ hẻm để quét dọn, thu gom lượng rác thải khổng lồ từ các hộ dân, Trung tâm thương mại, chợ hoa, sân Bảo tàng tỉnh để các nơi này thật sạch, không còn rác vào sáng ngày Mồng 1 Tết. Chị Thủy- nhân viên vệ sinh dọn tuyến đường Lê Lợi nói với giọng mệt mỏi: Tết lại càng khổ, ai nấy lo việc nhà thì chị em tôi phải “lục đục” suốt gần cả tháng nay, tuy vậy công việc quen rồi nên có lúc đẩy cả xe rác đầy như núi lên dốc cao trong hẻm nhưng các chị em vẫn vui cười.
Và còn rất nhiều người không có Tết khác như lực lượng biên phòng, kiểm lâm… họ ngày, đêm bám làng lo cho người dân có được cái Tết an lành, vui tươi.
Nguyễn Giác