Gia Lai: Những thách thức về công tác dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai, mức giảm sinh mỗi năm tỉnh Gia Lai đạt trung bình 0,8%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong giai đoạn 2001-2010 là 1,66%.
Số liệu này cho thấy một tín hiệu lạc quan về mức giảm sinh trong những năm tới ở Gia Lai sẽ chậm lại, có thể sau 10 năm nữa (đến 2020) tỷ lệ tăng dân số bình quân tỉnh ta chỉ bằng tỷ lệ tăng dân số của toàn quốc hiện nay là 1,2%. Số trẻ em sinh ra trong 6 tháng đầu năm 2010 của tỉnh Gia Lai là 11.482 cháu, trong đó trẻ em là con thứ ba trở lên 3.106 cháu, giảm so với cùng kỳ năm 2009, 54 cháu. Tỷ lệ chênh lệch giới tính vẫn ở mức cho phép: 107 nam/100 nữ. Số con trung bình của một phụ nữ giảm từ 3,6 con (năm 2000) xuống còn 2,7 con (năm 2009). Đặc biệt, tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên bình quân giảm 1%/năm (36% năm 2000 xuống còn 27% năm 2009)…
Đọc hướng dẫn thực hiện chăm sóc SKSS. Ảnh: Đ.Y
Tuy nhiên, Gia Lai là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh, do vậy nhiều nơi vùng sâu, vùng xa còn xảy ra tình trạng kết hôn sớm, đẻ dày, đẻ nhiều. Về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở chị em trong độ tuổi sinh đẻ ở một số nơi còn hạn chế, vẫn còn nhiều chị em chưa có thói quen đến khám- chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế, còn sinh đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ hoặc đẻ ngoài nương rẫy. Riêng về quy mô dân số của tỉnh ta sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới, bởi dân số trẻ, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) còn tăng ở mức cao.
Tình trạng di dân tự do và di dân theo kế hoạch, yếu tố tâm lý xã hội, phong tục tập quán ở một số nơi còn lạc hậu, phần nào cũng cản trở việc thực hiện quy mô gia đình ít con. Hiện nay, một số cán bộ đảng viên và cấp ủy, chính quyền  địa phương một số nơi nhận thức về công tác dân số-KHHGĐ vẫn còn hạn chế. Ảnh hưởng đến quá trình tuyên truyền vận động toàn dân thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ.  
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn còn nhiều mặt yếu kém. Theo Công điện số 695/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-5-2008 về chuyển cán bộ dân số-KHHGĐ về trạm y tế và áp dụng chính sách như các viên chức khác của trạm y tế. Thực hiện Công điện này, ngày 14-5-2008, Bộ Y tế ra Thông tư số 05/2008/TT-BYT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số-KHHGĐ ở địa phương.
Theo Thông tư này, đội ngũ cán bộ chuyên trách của tỉnh Gia Lai chỉ đáp ứng được một nửa theo yêu cầu, còn lại buộc phải nghỉ việc, giải quyết theo chế độ. Vì vậy, đây là một thách thức lớn cho ngành dân số Gia Lai hiện nay. Bà Đinh H’Nghĩa- Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: Vấn đề này, ngành đã tham mưu cho tỉnh và rất mong sự quan tâm của tỉnh để đội ngũ chuyên trách dân số cấp xã, phường, thị trấn sớm ổn định bộ máy, đi vào hoạt động có hiệu quả.
Để đối phó với những thách thức đặt ra, Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay có chủ đề: “Mọi người đều được quan tâm”, cùng với tuyên bố của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) với các thông điệp chính: Số liệu dân số chính xác; biến động dân số; dự báo dân số và yêu cầu Chính phủ cần thu thập, phân tích, phổ biến số liệu về động thái dân số để có thể xây dựng và quản lý các chính sách phù hợp… nhằm vận động mọi người dân cùng tham gia vào công tác điều tra dân số để qua đó có những số liệu chính xác làm cơ sở quyết định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Mặt khác, để thay đổi nhận thức của đội ngũ làm công tác dân số, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ, công tác cổ động bằng xe loa, băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền qua tất cả các tuyến đường thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, để  nâng cao chất lượng dân số, ngành cũng đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em- thanh thiếu niên và người cao tuổi với đề án: “Nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh” nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Yến Long

Có thể bạn quan tâm