(GLO)- Trong quý I-2021, tỉnh Gia Lai xảy ra 84 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 64 người chết, 58 người bị thương, trong đó có 39 vụ liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, làm chết 30 người, bị thương 23 người. Trước tình hình đó, Ban An toàn giao thông tỉnh và Công an tỉnh đã phát động mở đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua điều tra cho thấy, nguyên nhân dẫn đến TNGT do ý thức người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn hạn chế, không chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Các lỗi vi phạm phổ biến dẫn đến tai nạn như: điều khiển phương tiện không quan sát khi qua đường, chạy quá tốc độ cho phép; uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu; chạy lạng lách, đánh võng, lấn làn đường.
Tặng mũ bảo hiểm cho người dân các làng ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Thực hiện đợt cao điểm, đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 47 buổi tuyên truyền tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, trường học, thu hút hơn 12.000 lượt người tham dự. Mục đích tuyên truyền là nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, học sinh khi tham gia giao thông.
Chư Pưh là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu đợt cao điểm đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an huyện và Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã tổ chức 9 buổi tuyên truyền tại các thôn, làng thu hút hơn 2.500 lượt người tham dự.
Ông Rah Lan Hlơi (làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa) chia sẻ: “Nhiều thanh-thiếu niên ở làng mình vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Chúng uống rượu rồi điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, rú ga inh ỏi, chạy lạng lách trên đường. Mình nhắc nhở nhiều lần nhưng chúng không nghe, gia đình cũng không khuyên bảo được. Mình mong lực lượng Cảnh sát Giao thông xử phạt thật nghiêm đối với những thanh-thiếu niên vi phạm”.
Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát Giao thông còn tăng cường tuần tra, kiểm soát; phối hợp với Công an xã, tổ tự quản giao thông tuần tra tại các đường liên thôn, liên xã nhằm phát hiện, xử lý vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, xe máy độ chế và điều khiển xe công nông chở nhiều người, chạy trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Từ đầu đợt cao điểm đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản xử phạt, nhắc nhở hơn 1.000 trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm an toàn giao thông.
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh, cùng với việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đồng thời, lãnh đạo Công an các huyện cũng đã tích cực chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an xã, thị trấn lập danh sách hàng trăm thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, càn quấy, điều khiển xe chạy lạng lách, đánh võng gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
NGUYỄN HỮU