Gia Lai: Nỗi lòng những gia đình có người bị tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoàn cảnh của hầu hết gia đình có người bị tâm thần đều rất khó khăn nên chỉ khi người bệnh ở giai đoạn cấp tính họ mới đưa đến Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh để điều trị. Nhiều khi người bệnh chưa hoàn toàn bình phục thì người nhà đã phải xin ra viện vì không còn tiền lo ăn uống và không có người đi theo chăm sóc.

“Khó gấp 10 lần chăm sóc người bình thường”

Đó là ví von chua chát của ông Rơ Mah Hin (Plei Kte 3, xã Hbông, huyện Chư Sê) khi nói về việc chăm sóc cô con gái Siu H’Xoa (SN 1991) bị tâm thần. “Gia đình mình làm nông, cuộc sống rất khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, Xoa bị điên dại, gia đình lại nghèo hơn”-ông Hin kể.

 

Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh thăm hỏi một bệnh nhân.      Ảnh. Đ.Y
Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh thăm hỏi một bệnh nhân. Ảnh. Đ.Y

Sau khi học xong lớp 12,  Xoa theo học Trung cấp Du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục theo học điều dưỡng tại  Trường Trung cấp Y Gia Lai. Học xong không xin được việc làm ở Gia Lai, Xoa vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may. Có lẽ do áp lực công việc, rồi do hoàn cảnh sống giữa thành phố, Xoa bỗng dưng thay đổi tâm tính, suốt ngày nói lảm nhảm, đi lang thang, chửi bới mọi người xung quanh và đập phá đồ đạc trong nhà, hàng xóm. Thấy Xoa có biểu hiện như vậy, gia đình vào TP. Hồ Chí Minh đưa cô về nhà.

Giữa năm 2016, Xoa được một người con trai ở TP. Pleiku làm ở gần nhà để ý, tình yêu vừa chớm nở thì Xoa đã mang thai. Khi cái thai chưa tròn 3 tháng tuổi, Xoa lại lên cơn điên.  Thấy vậy, người yêu đã “cao chạy xa bay”. Đau khổ nhưng thương con, gia đình vẫn để Xoa sinh con. Ngày 31-7-2017, Xoa mới sinh con được 16 ngày tuổi thì tiếp tục lên cơn, gia đình phải đưa vào bệnh viện điều trị. Bà Siu H’Sanh-mẹ Xoa-rơm rớm nước mắt: “Từ ngày Xoa bị tâm thần, cả nhà buồn, vất vả ở nhà chăm con cũng chẳng làm được gì. Hôm cho Xoa vào viện, vợ chồng mình phải đi vay nóng 2 bao lúa non bán được 300.000 đồng. Tiền chi phí điều trị có Nhà nước hỗ trợ nhưng còn tiền ăn uống hàng ngày ở bệnh viện tốn kém nên chỉ được 3-4 ngày phải xin về thôi”.

Cùng chung nỗi niềm, ông Phan Tình (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) trải lòng: Vợ chồng tôi sinh được 4 người con, cháu Phan Ngọc Trân (SN 1993) là con thứ hai. Cháu rất ngoan ngoãn, cả nhà hy vọng nhiều lắm, thế mà vào một ngày giữa năm học lớp 11, trên đường đi học thêm bằng xe máy, cháu ngã xe rơi xuống hố cống bên đường, bị chấn thương sọ não. Để chữa trị cho cháu, gia đình phải bán căn nhà duy nhất ở thị trấn Chư Ty nhưng bệnh tình của cháu vẫn không khỏi hẳn. Cháu phải nghỉ học vì không còn đủ sức khỏe. “Mấy hôm gần đây, cháu có biểu hiện buồn vì xin mẹ tiền mua điện thoại mới nhưng mẹ chưa kịp mua. Cháu nghĩ mẹ không còn yêu thương mình nữa nên tối đến đã uống 24 viên thuốc an thần. Sáng hôm sau, tôi phát hiện người cháu  cứng đơ, ngưng thở, tôi làm hô hấp rồi vội vàng đưa cháu đến bệnh viện”-ông Tình kể. Tiếp lời chồng, bà Lưu Thị Mậu-mẹ Trân-gạt nước mắt: “Hoàn cảnh gia đình tôi bây giờ rơi vào cùng cực. Mỗi tháng tiền thuốc cho cháu hết cả triệu đồng rồi. Vợ chồng tôi giờ đã già, chỉ làm lụng quanh vườn, còn sức tới đâu thì đi làm thuê để có tiền thuốc thang cho con và nuôi các con qua ngày”.

Cần lắm những tấm lòng

Theo tìm hiểu, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể điều trị được. Đối với một số bệnh tâm căn, như: trầm cảm, lo âu, nếu được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể bình phục hoàn toàn. Còn đối với nhóm bệnh loạn thần, có thể phải điều trị theo từng đợt cấp và theo suốt cuộc đời. Người mắc bệnh tâm thần khi lên cơn thường rất hung dữ, đập phá đồ đạc, đi lang thang, thậm chí là đuổi đánh mọi người xung quanh.

Hàng ngày, điều dưỡng Phạm Thị Quỳnh Nga-Khoa Điều trị nữ (Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh) chứng kiến nhiều hoàn cảnh rất thương tâm  của các gia đình có người bị tâm thần. Chị kể: “Ngày hôm trước, người bệnh lên cơn đập vỡ cả cửa kính bệnh viện, rượt đánh bác sĩ điều trị. Hôm sau, người bệnh vừa mới hết trạng thái kích động, người nhà đã liên tục xin ra viện, hỏi ra mới biết là không có tiền lo chi phí ăn uống hàng ngày ở bệnh viện”.

Người bệnh tâm thần bị tái phát nhiều lần trở thành mãn tính và mỗi lần tái phát thì bệnh có xu hướng nặng lên, nguy cơ đe dọa cho gia đình, cộng đồng và chính bản thân người bệnh. Bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai, cho biết: “Nếu tỉnh ta thành lập được Quỹ Khám-chữa bệnh cho người nghèo theo quy định của Chính phủ, bệnh nhân nghèo sẽ được hỗ trợ 0,3 mức lương tối thiểu (tương đương 39.000 đồng/ngày) thì việc các bệnh nhân ở lại điều trị 1-2 tháng sẽ rất tốt. Cũng vì điều kiện gia đình người bệnh nên hàng tháng, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh quản lý và cấp phát thuốc định kỳ về nơi cư trú cho hơn 3.000 người. Hàng ngày, bệnh viện điều trị nội trú chỉ có 15 đến 20 lượt bệnh nhân. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho người bệnh tâm thần ở tỉnh ta ngày một tăng lên”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm