(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2134/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 55% trường THCS, 60% trường THPT có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 50% đối với cả hai cấp học trên. Ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 20%. Ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.
Đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%. Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Dạy nghề trong trường học góp phần hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: H.T |
Kế hoạch đã đề ra 7 nội dung thực hiện Đề án, đó là: nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; triển khai thực hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Lộ trình thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: 2019-2020 và 2020-2025 và dự kiến sẽ được tổng kết vào cuối năm 2025. Nguồn kinh phí thực hiện bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục; nguồn kinh phí huy động tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn xã hội khác.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, gồm: Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công thương; Tỉnh đoàn; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai… để tổ chức triển khai thực hiện Đề án một cách có hiệu quả.
Được biết, Đề án nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và của đất nước, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, tạo nguồn nhân lực của tỉnh, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
HỒNG THI