Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Phấn đấu đến năm 2030 có 50 - 55% học sinh trung học đi học nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 189-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có 1 trường cao đẳng thuộc địa phương quản lý đạt trường chất lượng cao, bước đầu tiếp cận trình độ các nước ASEAN. Cùng với đó, hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ đáp ứng tổ chức đào tạo tại trường cao đẳng chất lượng cao; trong đó có 1-2 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh trong nước về chất lượng đào tạo.

Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, bắt kịp trình độ tiên tiến của các nước phát triển.

Em Siu Dũng (bìa trái, làng Đut, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) trong một buổi thực hành kỹ thuật cắt gạch tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: M.T

Em Siu Dũng (bìa trái, làng Đut, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) trong một buổi thực hành kỹ thuật cắt gạch tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: M.T

Tại kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 5 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; rà soát, thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực và đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW và Kế hoạch này; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW và nội dung Kế hoạch này đến chi bộ.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh cụ thể hóa các giải pháp và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW và Kế hoạch này; định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết theo quy định.

Có thể bạn quan tâm