Gia Lai: Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, mặc dù đã được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên tai nạn giao thông ở tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và chưa bền vững. Vì vậy, trong năm 2017, tỉnh sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

Tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp

Năm 2016, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến theo hướng tích cực. Tai nạn giao thông đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trong năm, toàn tỉnh đã xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông, làm chết 234 người, bị thương 152 người (giảm 5,31% số vụ, giảm 13,01% số người chết và giảm 18,72% số người bị thương so với năm 2015). Va chạm giao thông xảy ra 211 vụ, làm bị thương 342 người (so với năm 2015, số vụ va chạm tăng 13,44%, số người bị thương tăng 20%).

 

Công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn nữa. Ảnh: T.D

Theo đánh giá của Ban An toàn Giao thông tỉnh, tai nạn giao thông tuy giảm nhưng còn ở mức cao, số vụ va chạm giao thông tăng, tai nạn giao thông liên quan xe công nông còn xảy ra. Đặc biệt, tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 47,2% số vụ) và gia tăng (tăng 20,24% số vụ). Bên cạnh đó, kết quả kéo giảm tai nạn giao thông chưa bền vững. Số người chết do tai nạn giao thông trong các tháng 4, 5, 7, 10-2016 tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Tai nạn giao thông trên quốc lộ tăng 6,51% số vụ. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do đi sai làn đường, vi phạm tốc độ, xe công nông lưu thông trái phép…

Trong năm, có 12 địa phương trong tỉnh giảm số người chết vì tai nạn giao thông như An Khê, Kbang, Chư Prông, Ia Pa… Tuy nhiên cũng có 5 địa phương để số người chết vì tai nạn giao thông tăng như: Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ… Nói về nguyên nhân số người chết vì tai nạn giao thông tăng, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Sở dĩ trong năm Ia Grai có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 20% là bởi lưu lượng phương tiện trên địa bàn tăng đột biến trong khi lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, chế độ cho các tổ tự quản địa phương còn bất cập nên họ chưa làm hết trách nhiệm; sự vào cuộc của các ngành chức năng của huyện chưa quyết liệt”.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng: “Nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng tai nạn giao thông giảm nhưng còn ở mức cao chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông còn chưa hiệu quả; công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng có thời điểm chưa quyết liệt”.

Phấn đấu kéo giảm 5-10% cả 3 tiêu chí

Đó là mục tiêu mà Ban An toàn Giao thông tỉnh đề ra trong Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Để đạt được mục tiêu đó, Ban An toàn Giao thông tỉnh sẽ tổ chức triển khai kế hoạch Năm An toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh-thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. Đồng thời, Ban An toàn Giao thông tỉnh sẽ tích cực, chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; đầu tư xây dựng, bảo trì, khai thác hiệu quả và bảo đảm an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tập trung xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Bên cạnh đó, Ban An toàn Giao thông tỉnh sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; động viên, khen thưởng kịp thời và xem xét kỷ luật nghiêm các cá nhân vi phạm và liên đới trách nhiệm.

Về nhiệm vụ trong năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các lỗi: vi phạm tốc độ, xe chở quá tải, quá khổ; đi sai phần đường, làn đường; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định...Tiến hành lắp camera quan sát tại các tuyến đường theo điều kiện của từng địa phương. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông phải được chú trọng và nâng cao, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm