Gia Lai: Phát hiện cơ sở chế biến kem kém chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ chế biến, kinh doanh thực phẩm là các loại kem, sữa chua trong môi trường vệ sinh không đảm bảo, cơ sở còn lưu trữ, sử dụng nhiều loại thực phẩm, nguyên liệu sản xuất hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc cùng nhiều sai phạm khác.

Đó là ghi nhận ban đầu của đoàn thanh-kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh kem Tân Hòa Bình, đường Hoàng Sa, tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku, Gia Lai vào chiều 22-9.
 

Các nguyên liệu chế biến hết hạn và không rõ nguồn gốc bị tạm giữ. Ảnh: N.G

Xưởng chế biến kem “chui”

Trong quá trình tiến hành thanh-kiểm tra về an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn TP. Pleiku, đoàn thanh-kiểm tra liên ngành của tỉnh nhận được nguồn tin cho biết một cơ sở chế biến kem, sữa chua với số lượng lớn, không đảm bảo các điều kiện vẫn sản xuất và phân phối nhiều nơi trong tỉnh. Để xác minh, đoàn thanh-kiểm tra đã tìm đến xưởng sản xuất nằm trên đường Hoàng Sa cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 3 km. Tại thời điểm kiểm tra, xưởng chế biến vẫn đang hoạt động bình thường, các vật dụng, sản phẩm chế biến đang chạy trên các dây chuyền và hồ ngâm.

 

Dây chuyền sản xuất kem sữa chua kém vệ sinh. Ảnh: N.G

Khi kiểm tra, các nhân viên cho biết chủ cơ sở không có mặt tại địa phương, do vậy, công việc được tiến hành với sự giám sát của chính quyền địa phương. Qua làm việc, đại diện cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ liên quan đến công tác chế biến, kinh doanh hiện tại. Riêng về điều kiện cơ sở chế biến với các nhãn ghi thông tin kem chuối, kem cây, sữa chua tăng lực Tân Hòa Bình, có địa chỉ sản xuất không phù hợp. Cụ thể, địa chỉ in trên bao bì 240 Phan Đình Giót, TP. Pleiku, nhưng địa chỉ sản xuất thực tế lại nằm ở nơi khác.

Lý giải về việc này, đại diện cơ sở cho biết, cơ sở đã chuyển về sản xuất trên xưởng tại đường Hoàng Sa đã hơn 1 năm nay. Còn địa chỉ ghi trong bao bì là ở xưởng cũ. Còn tại sao khi thay đổi địa chỉ hay các giấy tờ liên quan phải đợi chủ cơ sở về.

Kem bẩn, phụ gia hết hạn, không rõ nguồn gốc

 

Dụng cụ sản xuất kem chất đống cạnh tường bị ẩm mốc. Ảnh: N.G

Ngoài các loại giấy tờ không chứng minh được cơ sở chế biến hoạt động đúng quy định tại thời điểm, thì điều kiện về cơ sở và nguyên liệu sản xuất lại là điều được đoàn đặc biệt quan tâm.

Kiểm tra tổng quát về cơ sở, đoàn ghi nhận cơ sở không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể khu vực sản xuất bẩn, nền nhà ứ đọng nước, bể nước làm lạnh kem đóng nhiều cáu bẩn, không có bệ kê các vật dụng sản xuất, không có đồ bảo hộ lao động, không có nơi thay đồ theo quy định. Đó là những gì được đoàn ghi nhận trên biên bản làm việc. Tuy nhiên qua quan sát của P.V thực tế tại cơ sở thì còn nhiều điều đáng ngại.

 

Hồ chứa nước bẩn cạnh khu vực sản xuất. Ảnh: N.G

Tại khu vực sản xuất gồm các thiết bị sản xuất, dây chuyền chạy đóng gói bị rỉ sét, tường ẩm mốc và các loại khuôn làm kem được đặt ngay cạnh bức từng ẩm mốc này. Khu vực hồ ngâm lạnh đang chứa cả ngàn gói kem, sữa chua tăng lực với vô số các loại cáu bẩn màu nâu sậm cùng lớp váng màu vàng nỗi lềnh bềnh xung quanh các bao kem, sữa để từ đây các sản phẩm này sẽ chuyển đến nơi tiêu thụ.
 

Thiết bị hoen gỉ và bốc mùi hôi tại khu vực sản xuất. Ảnh: N.G

Với loại nước uống ghi trên bao bì là sữa chua tăng lực, thực chất các thành phẩm chứa bên trong bao bì ấy chứa những gì để tăng lực thì chưa rõ, nhưng cách chế biến với một loại dung dịch màu vàng đặt xệch, nổi nhiều bọt được đựng bên trong chiếc chậu cũng không mấy đảm bảo vệ sinh qua cách nhìn trực diện. Không chỉ vậy, chiếc ống nhựa màu trắng được dùng truyền sữa trong dây chuyền đóng gói lại biến thành màu đen mốc.
 

Các sản phẩm sau chế biến được lưu trữ trong tủ đông tại nơi sản xuất. Ảnh: N.G

Khi kiểm tra các loại phụ liệu chế biến được cất giữ ngay tại kho lạnh (kho không chạy lạnh tại lúc kiểm tra-P.V) thì hàng loạt các phụ gia gồm chất chống đông, chất tạo mùi đã hết hạn sử dụng từ 6 đến 12 tháng. Nhiều loại chất dùng trong sản xuất khác với số lượng lớn không ghi rõ nguồn gốc, tem nhãn phụ theo quy định.
 

Phụ gia thực phẩm không ghi tem nhãn phụ được dùng chế biến sản phẩm kem. Ảnh: N.G

Với tất cả sản phẩm, phụ gia hết niên hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc phát hiện tại cơ sở được đoàn tiến hành niêm phong đưa về Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm và đề nghị chủ cơ sở chứng minh các thủ tục liên quan.
 

Các phụ gia không rõ nguồn gốc và hết hạn sử dụng được phát hiện tại cơ sở chế biến Tân Hòa Bình. Ảnh: N.G

Theo nhận định từ đoàn công tác, hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku có nhiều cơ sở chế biến kem tươi nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện và không được sự kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm từ cơ quan chuyên môn. Do vậy, việc các loại phụ gia, hóa chất được sử dụng trong chế biến sản xuất là khó tránh khỏi, đó là chưa kể đến những loại phụ gia hết hạn, không an toàn vẫn được sản xuất như đã phát hiện tại cơ sở Tân Hòa Bình.
 

Sử dụng kem “bẩn” có nguy cơ lây nhiễm rất cao với nhiều loại bệnh

Đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Riêng về nguồn nước các xưởng kem tự phát sử dụng đa phần đều không đảm bảo, có thể tồn tại trong đó nhiều kim loại nặng hay thậm chí cả chất độc như Asen (thạch tín) hay Dioxin. Nguy hại hơn là tiềm ẩn sản phẩm có sử dụng các chất hóa học không được phép hoặc được phép nhưng lại quá liều lượng như các chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu... Những vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn… thường có trong các que, bao bì khi chế biến.

Nguyên liệu làm ra sản phẩm sữa chua trong dây chuyền ở cơ sở chế biến Tân Hòa Bình. Ảnh: N.G

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm