Thời sự - Bình luận

Gia Lai: Phát huy truyền thống, phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cách đây 75 năm, trong khí thế sục sôi cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất”, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phát xít; giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình; Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.

Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên


Tiếng hô vang Lời thề Độc lập trong ngày lập quốc đã kết nối triệu con tim người dân đất Việt đoàn kết cùng nhau tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đập tan mọi ý đồ xâm lược và gây chia rẽ của thực dân, đế quốc, thu giang sơn về một mối. Sau 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay!

Đồng hành cùng với cả nước, 75 năm qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, lập nên những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một vùng đất nghèo nàn bị tàn phá bởi chiến tranh, Gia Lai đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” sánh vai cùng cả nước và là một đỉnh cao trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Từ đói nghèo triền miên, đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 52,54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn dưới 6,25%. Hiện nay, toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 84 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một trại lính trong chiến tranh, 45 năm sau ngày giải phóng, TP. Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Từ 1 chi bộ ban đầu, đến nay, Đảng bộ tỉnh có 60.177 đảng viên; tất cả thôn, làng, tổ dân phố đều có đảng viên và chi bộ. Hoạt động của bộ máy chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả và kiến tạo vì sự phát triển. Các đoàn thể chính trị-xã hội đảm bảo vững mạnh và hướng về cơ sở, hướng về người dân…

Có thể khẳng định, những thành tựu mà tỉnh nhà đạt được trong những năm qua là rất đáng tự hào. Đó là cơ sở vững chắc để người dân tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của mảnh đất Gia Lai giàu truyền thống cách mạng và nhiều tiềm năng để phát triển.

Chúng ta hân hoan chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong không khí toàn tỉnh thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt sâu sắc những bài học rút ra từ Cách mạng tháng Tám vĩ đại để biến thành những hành động cụ thể góp phần vào thành công của Đại hội; xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

GIA LAI
 

Có thể bạn quan tâm