Gia Lai: Quan tâm chăm sóc gia đình chính sách và người có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế- xã hội, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn làm hết sức mình để thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng ngày càng được chăm lo nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hiện nay, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đang quản lý và thực hiện chi trả chế độ, chính sách trên 65.113 đối tượng, trong đó có 20.379 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong những năm qua, trước những phát triển mạnh mẽ của điều kiện cuộc sống, Đảng và Nhà nước đã liên tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, nâng mức trợ cấp ưu đãi đối với các đối tượng chính sách khi có đủ điều kiện đảm bảo về ngân sách. Hàng năm, nhân các ngày lễ, Tết… Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành, các cấp đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà cho gia đình tù chính trị Kpuik Dunh (Đức Cơ).

Ngoài việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chính sách chế độ của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, Gia Lai đã phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thông qua 5 chương trình và đã được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ phát triển ở chiều rộng, phong trào ngày càng đi vào đời sống ở bề sâu với các hình thức phong phú như: Phong trào ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm… để cùng chung tay san sẻ bớt những khó khăn với các gia đình chính sách, tạo điều kiện cho họ vươn lên phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống.

Với sự cố gắng của ngành chức năng và sự hưởng ứng đầy trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, trong thời gian qua, chúng ta đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập và hồi hương hàng ngàn liệt sỹ về các nghĩa trang liệt sỹ. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 13 nghĩa trang liệt sỹ với gần 12.000 mộ liệt sỹ, 6 đài tưởng niệm, 33 nhà bia tưởng niệm ghi tên liệt sỹ, 4 ngôi mộ chung.
Hàng chục tỷ đồng từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” dùng để tu bổ, nâng cấp và xây mới các công trình ghi công liệt sỹ để nơi an nghỉ của những anh linh hy sinh vì nước, vì dân được khang trang, sạch đẹp hơn.

Đây là việc làm không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau đối với những lớp người đi trước, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ noi gương, tiếp bước truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh.
 

Gặp mặt cựu nữ quân nhân một thời hoa lửa. Ảnh: L.H

Trước những yêu cầu bức thiết và hết sức hiện thực của cuộc sống về vấn đề nhà ở cho các đối tượng chính sách, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh đã tích cực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, lúc ốm đau, hoạn nạn. Từ nguỗn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, ngành đã xây dựng được 899 ngôi nhà tình nghĩa, tổng trị giá gần 21 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp trên 7.600 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, người có công khó khăn về nhà ở, tương đương 38 tỷ đồng. Có thể nói, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của bản thân đối tượng chính sách, đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cải thiện nhà ở cho các đối tượng người có công với cách mạng.

Ngoài ra, từ nguồn quỹ kêu gọi xã hội hóa công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, các đơn vị, cơ quan, tổ chức chính trị- xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân đã tặng 2.500 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trị giá hơn 1 tỷ đồng. Các hoạt động phong trào chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ  và người có công được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực: Giúp đỡ về vốn, hỗ trợ cây giống, vật nuôi kết hợp việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Các đối tượng chính sách đều được cấp chính quyền và các tổ chức xã hội quan tâm giúp đỡ, ưu tiên vay vốn, tạo việc làm…; tổ chức cho các đối tượng chính sách đi tham quan, điều dưỡng trong và ngoài tỉnh. Đây thực sự là nguồn động lực to lớn thúc đẩy, động viên các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, ổn định và vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng là “Người công dân gương mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Tiêu biểu cho phong trào này có thể kể đến những tấm gương như: Gia đình bệnh binh Vũ Như Hùng ở huyện Phú Thiện, ông Kpă Phái (thương binh 3/4 ở huyện Chư Sê), ông Kpă Thoa (thương binh 3/4 ở Krông Pa), ông Nguyễn Văn Đoán (thương binh hạng 2/3 ở huyện Chư Pah)…

Đây là những gia đình tiêu biểu, đại diện cho thế hệ những con người đã dũng cảm cống hiến thân mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận chống đói nghèo, nuôi dạy con cháu trở thành những công dân có ích, trở thành tấm gương mẫu mực trong cộng đồng, góp thêm hương sắc cho đất nước trong thời đại mới.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2012), nhiều hoạt động tri ân, hướng đến các liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng được các cấp, ngành đồng loạt triển khai: Tổ chức thăm, tặng quà 85 đối tượng người có công tiêu biểu của các huyện, thị xã, TP; đưa đoàn đại biểu người có công tiêu biểu đi tham dự hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu tổ chức tại TP. Đà Nẵng, khánh thành nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ, tổ chức thắp nến tri ân các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ trên toàn tỉnh, đón nhận và an táng liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường nước bạn Camphuchia…

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: “Gia Lai là một trong những địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt trong chiến tranh.
Là một trong những chiến trường ác liệt nhất nhì Tây Nguyên. Điều đó lý giải vì sao, vết thương chiến tranh còn in dấu đậm nét trên mảnh đất này. Hàng ngàn liệt sỹ, thương- bệnh binh, người có công với cách mạng đang an nghỉ, sinh sống trên mảnh đất Gia Lai, mà trong số đó, có rất nhiều những mảnh đời, gia đình hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ từ phía cộng đồng xã hội để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Những năm qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai song có lẽ chưa bao giờ là đủ với những mất mát quá lớn mà chiến tranh đã để lại. Những di chứng của chiến tranh: Tàn tật, nghèo khó, ốm đau… vẫn đang là vết cứa sâu trong cộng đồng xã hội, dù mặt đất đã im tiếng súng gần 40 năm. Họ rất cần sự chung tay, góp sức từ phía những con người như chúng ta, may mắn được sinh sống yên bình trong hòa bình, hạnh phúc”.

Một mùa tri ân nữa lại về. Cùng với chính sách chung của Đảng và Nhà nước dành cho các đối tượng người có công, mỗi người, mỗi nhà- bằng cách này hay cách khác cũng bày tỏ sự tri ân của mình trước những con người đã cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Đây cũng là nét đẹp, là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm