(GLO)- Những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức 16 lớp tập huấn cho 1.639 lượt phụ nữ là đại biểu HĐND, cán bộ chuyên trách HĐND cấp tỉnh, huyện; Trưởng, Phó ban VSTBPN các sở, ban, ngành, đoàn thể và cộng tác viên thôn, làng, tổ dân phố... Mới đây, Ban VSTBPN tỉnh tiếp tục mở 2 lớp tập huấn với nội dung “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử” cho 461 học viên là Trưởng, Phó ban VSTBPN 17 huyện, thị xã, thành phố; Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn của 11/17 huyện, thị xã thành phố. Ông Hoàng Công Nhuần-Bí thư Đảng ủy xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) cho hay: “Những kiến thức từ lớp tập huấn là rất cần thiết, giúp nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động VSTBPN trên địa bàn xã”.
Ban VSTBPN tỉnh kiểm tra công tác bình đẳng giới, VSTBPN tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: H.T |
Về cán bộ nữ tham gia cấp ủy, toàn tỉnh hiện có 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 21 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 99 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh có 2 người, chiếm tỷ lệ 28,6%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 23 người, chiếm tỷ lệ 28,75%; cấp huyện là 167 người, chiếm tỷ lệ 27,56%; cấp xã là 1.595 người, chiếm tỷ lệ 26,65%. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc sở, ngành và cấp huyện chiếm 34,1%. |
Hàng năm, Ban VSTBPN tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN ở các đơn vị, các ban VSTBPN cấp huyện. Tính riêng năm 2019, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra ở 7 đơn vị; các ban VSTBPN cấp huyện cũng tổ chức kiểm tra khoảng 20 đợt. Báo cáo với đoàn kiểm tra của tỉnh mới đây, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Trưởng ban VSTBPN của đơn vị-cho biết: Bảo hiểm Xã hội tỉnh hiện có 298 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 21 nữ cán bộ quản lý nắm giữ các chức danh giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các phòng nghiệp vụ trực thuộc. Cấp ủy cũng như lãnh đạo cơ quan luôn quan tâm quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, lựa chọn những nữ viên chức có năng lực tham gia vào cấp ủy Đảng và cán bộ quản lý. Theo quy hoạch, cán bộ nữ ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2021 có 94 nữ, chiếm tỷ lệ 55,2%.
Qua kiểm tra hoạt động bình đẳng giới tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban VSTBPN tỉnh cho rằng, đơn vị đã thể hiện sự quan tâm đầy đủ đến công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Hiện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có 46 cán bộ nữ, trong đó cán bộ nữ giữ chức vụ chỉ huy, lãnh đạo chiếm tỷ lệ 2,2%. Thượng tá Dương Quang Tân-Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Trưởng ban VSTBPN Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho hay: “Hàng năm, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình toàn lực lượng, xem đây là tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng quy định xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, có các hành vi bạo hành, ngược đãi”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh Trần Thị Hoài Thanh thông tin thêm: Kết quả kiểm tra cho thấy, trên 95% đơn vị đã thành lập, kiện toàn Ban VSTBPN và ban hành quy chế hoạt động. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện theo kế hoạch hành động về bình đẳng giới với 7 mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của cơ sở. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Theo bà Thanh, thời gian tới, Ban VSTBPN các cấp cần chủ động hơn trong việc tham mưu cho lãnh đạo triển khai chương trình thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức nữ. Hàng năm, tổ chức tuyên truyền sâu rộng ở tất cả các cơ quan, đơn vị về Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm tạo ra một chiến dịch truyền thông cao điểm. Trong quy hoạch, bố trí cán bộ nên thực hiện lồng ghép về giới vào chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng, cơ cấu, đề bạt; đồng thời thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tăng cường trang bị kiến thức về giới cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức. Trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cần xác định rõ chỉ tiêu nữ trong cơ cấu chung, phân bố lao động thích hợp nhằm phát huy đặc thù theo giới tính...
HÀ TÂY