Gia Lai: Sốt rét gia tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 260 ca mắc sốt rét, trong đó 1 trường hợp ác tính, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc bệnh tăng gấp đôi. Bước vào mùa mưa, bệnh có chiều hướng gia tăng, công tác phòng-chống bệnh vì vậy đang được tăng cường triển khai đồng bộ.

Ông Rơ Mah Huân-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh, cho biết: Những năm qua, công tác phòng-chống bệnh sốt rét đạt một số kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là địa phương có tỷ lệ mắc sốt rét cao trong khu vực Tây Nguyên. Các địa phương trọng điểm về sốt rét trên địa bàn tỉnh là các huyện Krông Pa, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ…

 

Tẩm màn cho người dân vùng trọng điểm về sốt rét.                      Ảnh: N.N
Tẩm màn cho người dân vùng trọng điểm về sốt rét. Ảnh: N.N

Theo ông Nguyễn Văn Thể-cán bộ chuyên trách sốt rét thuộc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 73 ca mắc sốt rét. Trong khi đó, tại huyện Đức Cơ đã ghi nhận là 35 ca. Ông Hồ Xuân Hương-cán bộ chuyên trách sốt rét thuộc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, cho biết: Từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau là cao điểm của bệnh. Sốt rét là bệnh khó phòng vì muỗi mang vi trùng hoạt động cả ngày đêm nên phải có sự phối hợp của người dân thì công tác phòng-chống dịch bệnh mới đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn chủ quan trong việc phòng-chống căn bệnh nguy hiểm này.

Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã lập kế hoạch và gửi văn bản đến Trung tâm Y tế các huyện cảnh báo nguy cơ tại địa phương, đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống giám sát dịch tễ sốt rét tại các xã, thôn làng trọng điểm. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới chuyên khoa và các biện pháp chuyên môn kỹ thuật trong chiến dịch phòng-chống sốt rét; phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã thường xuyên giám sát tình hình, đặc biệt là các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biến động dân cư; xây dựng biểu đồ dự báo dịch cho cơ sở. Ngoài ra, giao ban hàng tháng với các trung tâm y tế huyện để kịp thời xử lý tình hình khi có dịch xảy ra”.

Cũng theo ông Huân, khó khăn trong công tác phòng-chống sốt rét là một bộ phận người dân thiếu kiến thức phòng bệnh, vẫn còn thói quen đi rừng, ngủ rẫy dài ngày, không nằm màn và tình hình di dân tự do khó kiểm soát. Lực lượng mỏng, cán bộ y tế tuyến cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc nên kết quả phòng-chống sốt rét tại một số địa phương chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ở tuyến cơ sở còn cao. Ngoài ra, kinh phí năm 2018 bố trí ít nên một số hoạt động triển khai còn hạn chế. Đến đầu tháng 6-2018, hóa chất phòng-chống véc tơ truyền bệnh sốt rét vẫn chưa được cấp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chiến dịch.

Để công tác phòng-chống sốt rét đạt hiệu quả, ngoài vai trò của ngành Y tế, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể thì rất cần nâng cao ý thức người dân. “Thời gian tới, Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp người dân có thêm kiến thức và chủ động phòng bệnh sốt rét. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là người dân cần xây dựng thói quen ngủ màn phòng muỗi đốt. Khi thấy người bị sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi liên tục, nhiều đợt, cơ thể nhức mỏi… thì nên đến ngay các trạm y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời”-ông Rơ Mah Huân khuyến cáo.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm