Gia Lai: Tai nạn giao thông giảm sâu nhưng vẫn lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai 2 tháng đầu năm 2016 đã được kéo giảm khá sâu cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, diễn biến tai nạn trong khoảng thời gian trên vẫn để lại nhiều lo ngại.

Giảm sâu cả 3 tiêu chí

Năm 2015, Gia Lai là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao nhất cả nước. Cụ thể, TNGT năm 2015 xảy ra 226 vụ, làm chết 269 người, bị thương 187 người (tăng 19,58% số vụ, tăng 27,49% số người chết và tăng 43,85% số người bị thương so với năm 2014).

 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Trước tình hình này, Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22-12-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh, Ban An toàn Giao thông tỉnh, Công an tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm TNGT trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban An toàn Giao thông tỉnh và Công an tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng như Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự, Thanh tra Giao thông, trong 2 tháng đầu năm 2016 (từ 16-12-2015 đến 15-2-2016), tình hình chấp hành pháp luật về giao thông chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ TNGT, làm chết 31 người, bị thương 18 người. So với cùng kỳ năm 2015, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí, cụ thể: giảm 17 vụ (-36,96%), giảm 22 người chết (-41,51%), giảm 15 người bị thương (-45,45%). Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, giảm 5 vụ so với 2 tháng đầu năm 2015.

Cũng theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 6 địa phương giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) TNGT là: Mang Yang, Đak Đoa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Prông và Pleiku. Ở chiều ngược lại, chỉ có huyện Chư Pưh là để TNGT tăng cả số vụ và số người chết. Trong khi đó, An Khê và Mang Yang là các địa phương không để xảy ra TNGT.

Còn nhiều nỗi lo

Nếu chỉ nhìn vào con số TNGT 2 tháng đầu năm 2016, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin về mục tiêu kéo giảm TNGT so với năm 2015. Tuy nhiên, thực tế diễn biến 2 tháng qua cho thấy, dù được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng TNGT ở tỉnh ta vẫn đang diễn biến khá phức tạp theo chiều hướng đáng lo ngại. Điều này thể hiện ở chỗ, nếu như trong tháng 1, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 2 người thì sang tháng 2, con số này đã tăng lên là 22 vụ, 24 người chết và 16 người bị thương. Nếu như trong tháng 1, cả tỉnh chỉ có 6 địa phương để xảy ra TNGT thì sang tháng 2, con số này đã tăng lên 12 địa phương. Nếu như trong tháng 1, toàn tỉnh không xảy ra vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nào thì sang tháng 2, đã có 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra làm 4 người chết, 2 người bị thương. Bên cạnh đó, số vụ va chạm giao thông trong 2 tháng đầu năm cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 27 vụ và tăng 34 người bị thương).

Trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai sáng 18-2, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh cho biết: Bước đầu, tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc kiềm chế, kéo giảm TNGT. Để kéo giảm TNGT trong năm 2016, theo ông Quế, các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy cần nêu cao trách nhiệm và có giải pháp huy động cả hệ thống chính trị trên địa bàn vào cuộc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đến từng địa bàn thôn, làng, tổ dân phố, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lực lượng chức năng như: Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự cần đề ra những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Ngoài ra, các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 13/CĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 28-11-2015 về việc nghiêm cấm xe công nông chở người, xe công nông lưu thông trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trong thị trấn, thị xã, thành phố; tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô và điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm…

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm