Gia Lai: Tận tâm với học sinh vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, hàng chục đoàn viên thanh niên xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) tuần 2 buổi luân phiên đến điểm trường 3 làng thuộc Trường Tiểu học Lê Văn Tám để giúp các em học sinh người dân tộc thiểu số đọc bảng chữ cái, ghép vần, cầm bút hay uốn nắn từng nét chữ. Trước đó, nhờ sự chung tay của cộng đồng, học sinh điểm trường này cũng đã có nơi học tập khang trang.
“Cầm tay chỉ việc”
Năm học 2018-2019, điểm trường 3 làng thuộc Trường Tiểu học Lê Văn Tám có 96 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số đến từ các làng Pơ Nang, Nhoi và Hòa Bình (xã Tú An). Cô Dương Thị Hà-giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4-cho biết: Năm học này, lớp có 20 học sinh. Những ngày đầu đến lớp, các em rất rụt rè, ngại giao tiếp; bảng chữ cái, 10 chữ số chưa thuộc; cầm bút còn khó khăn, viết chưa thẳng hàng, đúng nét... Trong khi đó, một giáo viên không thể chỉ bảo tất cả các em kịp thời, cùng lúc. Nhằm hỗ trợ giáo viên, Đoàn Thanh niên xã Tú An đã cắt cử đoàn viên thanh niên đến điểm trường giúp các em học đọc, học viết. Kết thúc học kỳ I, lớp có 8 em hoàn thành xuất sắc, 8 em hoàn thành và 4 em chưa hoàn thành; các em đã mạnh dạn và ham học hỏi hơn trước rất nhiều.
Đoàn viên thanh niên xã Tú An (thị xã An Khê) giúp học sinh ôn bài. Ảnh: N.M
Nhận thấy con có nhiều tiến bộ, anh Đinh Bíp (làng Nhoi) phấn khởi bộc bạch: “Đinh Văn Truyền là con thứ 2 trong gia đình, đang học lớp 1. Đầu năm học, khi đưa con đến trường, tôi chỉ mong con theo kịp chương trình. Không ngờ trong học kỳ I Truyền là học sinh hoàn thành xuất sắc. Tôi còn thấy con mạnh dạn, hòa đồng hơn trước. Được như vậy là nhờ vào thầy cô và sự hỗ trợ từ các anh chị đoàn viên thanh niên trong xã”.
Chị Trương Thị Hồng Tất-Bí thư Đoàn xã Tú An-chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi vận động phụ huynh học sinh đưa con về nhà rông của từng làng để đoàn viên thanh niên luân phiên đến hỗ trợ các em học nhưng rất ít người hợp tác, hôm có hôm không. Do đó, chúng tôi quyết định xuống tận điểm trường để hỗ trợ, hướng dẫn các em tập đọc, viết chữ cái, đếm số và làm các phép tính đơn giản vào chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần. “Để tạo hứng thú, động lực cho các em học bài, hàng tuần, chúng tôi treo giải thưởng, bạn nào được bầu chọn học tốt trong tuần sẽ nhận phần thưởng là đồ chơi, bút, sách, vở... Ngoài ra, tranh thủ thời gian giải lao, chúng tôi tổ chức các trò chơi dân gian, đọc sách, kể chuyện cho các em nghe… Vui nhất là các em ngoan, chịu khó lắng nghe, biết đoàn kết; một số em học giỏi đã biết giúp bạn học yếu”-chị Tất vui mừng kể.  
Chung tay xây dựng điểm trường 
Điểm trường 3 làng của Trường Tiểu học Lê Văn Tám được xây trên gò đất cao, nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh của mì, mía; những con đường uốn lượn men theo từng nếp nhà, ruộng lúa, vườn rau từ làng đến trường đã được bê tông hóa phẳng lỳ. Nhìn ngôi trường mới khang trang, cô Trương Thị Cẩm Thúy-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám-nhớ lại: “Khi chưa có điểm trường chung, giáo viên phải chia nhau về từng làng dạy. Do đầu tư dàn trải nên cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, không đảm bảo cho việc dạy và học. Bên cạnh đó, mỗi làng chỉ có hơn 10 học sinh ở nhiều bậc học khác nhau, buộc phải dạy ghép, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến việc truyền đạt kiến thức của giáo viên và tiếp thu bài vở của học sinh. Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả học tập, gây chán nản, mất hứng thú học tập của các em…”.
Điểm trường khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh ba làng được thuận lợi hơn. Ảnh: Ngọc Minh
Trước tình hình đó, năm 2017, thị xã An Khê đã xuất trên 2,5 tỷ đồng và dự án Plan hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng điểm trường chung ở khu vực gần làng Hòa Bình, tạo điều kiện cho học sinh các làng xung quanh đi học thuận lợi. Sau nhiều tháng gấp rút triển khai xây dựng, năm học 2017-2018, học sinh 3 làng đã có nơi học tập, vui chơi khang trang. “Điểm trường có diện tích 3.520 m2, gồm 6 phòng học, 1 phòng chức năng; được bảo vệ bằng tường rào, cổng ngõ đầy đủ; có công trình vệ sinh, giếng nước; sân trường bê tông, có bồn trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan, không gian thoáng mát, sạch, đẹp. Các phòng học được trang bị đầy đủ hệ thống quạt, bóng điện, bàn nghế, bảng… Đối với các tiết học cần máy chiếu, giáo viên có trách nhiệm mang từ trường chính ra. Nhờ đó, kết quả học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng, thành tích chung của nhà trường”-cô Thúy cho hay.
Cuối năm 2018, xã Tú An cùng người dân 3 làng đã dựng ngôi nhà sàn trong khuôn viên trường để làm thư viện, tạo điều kiện cho học sinh có nơi vui chơi, đọc sách, đọc truyện… với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân và đóng góp của cán bộ các hội, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn xã.
Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: “Với mong muốn tạo điều kiện để các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn có một môi trường học tập tốt hơn, kéo giảm khoảng cách giữa vùng trung tâm và nông thôn, các cấp ủy, chính quyền thị xã cùng nhân dân đã nỗ lực chung sức đồng lòng xây dựng trường lớp khang trang; trang bị máy móc, đồ dùng học tập phục vụ công tác dạy và học. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần vào việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm