Gia Lai: Tăng cường đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn được đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho địa phương.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Trò chuyện cùng P.V, ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai, cho biết: Những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư mở rộng hệ thống trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) và trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT), từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh về nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, góp phần duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng bỏ học. Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 trường PTDTNT, trong đó có 2 trường cấp tỉnh, 15 trường cấp huyện với gần 1.900 học sinh; 25 trường PTDTBT ở các xã có phần lớn đồng bào DTTS và thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện Kbang là điểm sáng của tỉnh về phát triển quy mô, duy trì hiệu quả hoạt động mô hình trường PTDTBT.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà động viên giáo viên, học sinh điểm trường làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang).                         Ảnh: H.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà động viên giáo viên, học sinh điểm trường làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: H.Đ

Các trường PTDTNT và PTDTBT đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó đổi mới phương pháp giáo dục, chú trọng phụ đạo cho học sinh học lực yếu, đẩy mạnh công tác dạy học tiếng nói, chữ viết DTTS. Cô Võ Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa, chia sẻ: “Nhà trường luôn duy trì tốt phong trào phát huy sáng kiến trong công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Đặc biệt là đã thực hiện đề tài “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, mang lại hiệu ứng tích cực trong nhà trường”. Còn cô Nguyễn Thị Hằng-phụ trách điểm trường làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) bộc bạch: “Từ trung tâm xã Lơ Pang đến làng Pờ Yầu chỉ 12 km nhưng có đến 8 km đường mòn trong rừng nên việc đến trường của giáo viên rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt cũng rất khó khăn và thiếu thốn. Tuy vậy, để duy trì sĩ số học sinh, giáo viên vẫn thường xuyên đến nhà vận động người dân đưa con đến lớp. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở vùng khó này có nhiều chuyển biến rất tích cực”.

Ngành GD-ĐT cũng đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là cán bộ, giáo viên người DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được điều này, công tác cử tuyển và dự bị đại học đối với học sinh DTTS rất được quan tâm. Đây là chính sách rất đúng đắn, hợp lòng dân nhằm tạo nguồn cán bộ là người DTTS trong các lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để tăng nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS.

Những gam màu sáng

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên nên bức tranh GD-ĐT ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh liên tục được điểm tô những gam màu sáng. Nhiều địa phương đã giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, nhất là tại các thôn, làng vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy giảm đáng kể. Nhiều năm qua, công tác duy trì sĩ số ở nhiều trường luôn đạt tỷ lệ 95-99%. Kết thúc năm học 2016-2017, có hơn 21% học sinh DTTS đạt học lực khá-giỏi; nhiều trường PTDTBT có tỷ lệ gần 100% học sinh lên lớp; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT đạt trên 90%, riêng Trường PTDTNT tỉnh 6 năm liền đạt 100%.

Được nuôi dưỡng, học tập trong môi trường tiến bộ, giàu tình cảm thầy trò, bạn bè, các em học sinh đã tiến bộ rõ rệt, luôn hứng thú trong học tập, mạnh dạn trong giao tiếp. Việc quan tâm đầu tư phát triển GD-ĐT vùng DTTS cùng với thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Em Đinh Thị Chiêng-học sinh lớp 9, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong (xã Krong) phấn khởi: “Từ khi xã có trường PTDTBT, chúng em rất vui vì được ở lại trường để học tập, sinh hoạt trong môi trường rất tốt. Chúng em còn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.

Tuy nhiên, công tác phát triển GD-ĐT ở vùng DTTS trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, một bộ phận người dân ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Cơ sở vật chất trường lớp ở một số nơi xuống cấp và còn thiếu thốn; việc huy động xã hội hóa còn hạn chế… “Khó khăn là vậy, nhưng với một tỉnh có hơn 44,5% dân số là đồng bào DTTS thì cần tiếp tục đầu tư phát triển GD-ĐT vùng DTTS”-Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Minh Thuận khẳng định.

Hà Đức

Có thể bạn quan tâm