Gia Lai: Tăng cường giám sát phòng-chống dịch bệnh do vi rút Ebola

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. Hiện nay dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinera, Leberia, Sierra Leone và Negeria. Tính đến ngày 6-8-2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cao nhằm hạn chế lây lan của vi rút Ebola.

Cho đến nay, bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Mặc dù đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do vi rút Ebola song chúng ta cần khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh do vi rút Ebola vào Việt Nam. Thực hiện Công điện số 1392/CĐ-TTg ngày 9-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng-chống dịch bệnh sốt huyết do vi rút Ebola; nhằm chủ động trong công tác phòng-chống dịch bệnh, không để lây lan bùng phát thành dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Đức Cơ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh; đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt việc giám sát cộng đồng và cơ sở y tế.

Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang-thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất để dự phòng và điều trị. Đặc biệt lưu ý phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch cho nhân viên y tế, người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân), phương tiện vận chuyển riêng biệt, hóa chất khử khuẩn. Có phương án sẵn sàng để thu dung, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện, đảm bảo tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong; có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế, nhân lực khi xảy ra số lượng lớn người mắc bệnh.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định, không để lây bệnh cho nhân viên y tế, các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế cũng như lây lan ra cộng đồng.

Kiện toàn các đội phòng-chống dịch, đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần thiết. Tổ chức thường trực phòng chống dịch và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành Y tế của địa phương mình và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa có hiệu quả sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; có phương án cách ly, thu dung và điều trị bệnh nhân bảo đảm không để lây lan dịch bệnh cho cán bộ y tế và cộng đồng, hạn chế thấp nhất số tử vong; bảo đảm phương tiện, vật tư, trang-thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn.

M.Thi
 

Có thể bạn quan tâm