Gia Lai: Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để khắc phục những thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ (QLBV) rừng, đảm bảo kỷ cương pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác QLBV rừng.
 

Lực lượng kiểm lâm lập hồ sơ tang vật vi phạm. Ảnh: T.N
Lực lượng kiểm lâm lập hồ sơ tang vật vi phạm. Ảnh: T.N

UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 549/UBND-NL yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo nhiệm vụ đã được phân công, phối hợp các địa phương và các đơn vị chủ rừng nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện công tác QLBV rừng trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cũng như UBND tỉnh.

Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao; tăng cường công tác giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác QLBV rừng; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp thông đồng, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm nhằm kiện toàn tổ chức trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện Đề án giao đất giao rừng, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua làm cơ sở để triển khai thực hiện. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các chế độ, chính sách để hỗ trợ công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng trong thực thi nhiệm vụ QLBV rừng.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị liên quan tham mưu, hướng dẫn thực hiện công tác thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, chủ rừng theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp; chỉ  đạo xử lý các vụ việc tranh chấp, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật... Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở có vi phạm, không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu cơ sở không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất... Các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể thường xuyên tăng cường công  tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật liên quan đến QLBV và phát triển rừng; kiểm tra, đôn đốc các hộ dân, cộng đồng nhận khoán QLBV rừng thực hiện tốt các cam kết QLBV rừng; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên lâm phần được giao quản lý...

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ  đạo, duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc huyện điều tra, xác minh, xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ; cương quyết xử lý trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, chủ rừng để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

Huy động lực lượng và đầu tư kinh phí của địa phương để QLBV rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND cấp xã phối hợp với các lực lượng để thực hiện các phương án, biện pháp, kế hoạch QLBV rừng ở địa phương. Nơi nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép; cháy rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định của pháp luật trên địa bàn quản lý, thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm