Điểm đến Gia Lai

Gia Lai tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Gia Lai có 71/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì còn 70/182 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm nay có thêm 27 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 huyện Kbang và Đak Pơ đạt chuẩn huyện NTM.

 

Người dân chung sức xây dựng NTM

Làng Ia Mút (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai) có 213 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Làng đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2019. Những ngày này, dân làng đang tích cực chỉnh trang hàng rào; đóng góp tiền và ngày công để nâng cấp, mở rộng tuyến đường nội làng, hướng đến mục tiêu trở thành làng NTM kiểu mẫu. Già làng Hyưr cho biết: “Tuyến đường nội làng này dài khoảng 1,3 km, vào mùa mưa nước từ khắp nơi đổ về gây ngập nặng khiến bà con đi lại khó khăn. Hơn 1 tháng nay, các hộ trong làng cùng nhau đóng góp tiền để nâng cấp, mở rộng thành đường cấp phối cao hơn so với mặt đường cũ. Hộ có đất mặt đường đóng góp 400 ngàn đồng, còn hộ phía sau góp 150 ngàn đồng, ai cũng vui vẻ hưởng ứng”.

 Xã Thành An (thị xã An Khê) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020 Ảnh: internet
Xã Thành An (thị xã An Khê) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020 (Ảnh: internet)



Thôn An Thượng 2 (xã Song An, thị xã An Khê) trước đây cũng có tuyến đường thường lầy lội vào mùa mưa. Bà Trần Thị Gái cho hay: “Tuyến đường phía sau trụ sở UBND xã Song An trước đây là đường đất hẹp nên việc đi lại và vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, 11 hộ gia đình sinh sống ven đường tự nguyện đóng góp mỗi hộ hơn 4 triệu đồng cùng Nhà nước bê tông hóa và mở rộng đường. Sau khi con đường hoàn thành đưa vào sử dụng, mọi người rất phấn khởi”.

Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, từ năm 2011 đến 2019, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp và các lực lượng khác, toàn tỉnh đã có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018; 2 thị xã An Khê và Ayun Pa có 100% xã đạt chuẩn NTM, đủ điều kiện đề nghị Trung ương xem xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019.

Hướng tới mục tiêu cao hơn

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm ngày một hoàn thiện; các mô hình, dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt và vượt 2 chỉ tiêu Trung ương giao gồm số xã đạt chuẩn và huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Kết quả này là tiền đề quan trọng để trong năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có thêm 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 huyện Kbang, Đak Pơ được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được các địa phương lựa chọn thực hiện cũng góp phần vào xây dựng NTM. Ảnh: Đức Thụy
Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được các địa phương lựa chọn thực hiện cũng góp phần vào xây dựng NTM. Ảnh: Đức Thụy



Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: “Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở tỉnh ta là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự chung sức của các đơn vị quân đội. Đặc biệt, việc xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị quân đội, sự ủng hộ của người dân. Các sở, ngành được phân công cũng rất tích cực hỗ trợ các xã xây dựng NTM. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được các địa phương lựa chọn thực hiện cũng góp phần vào xây dựng NTM”.

Tuy nhiên, theo ông Văn, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đạt chuẩn một số tiêu chí như hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật... vẫn còn thấp. Đặc biệt, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ giải ngân của các địa phương chậm. Vì vậy, thời gian tới, các ngành và địa phương cần tập trung đẩy mạnh xây dựng NTM, triển khai Chương trình OCOP, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết gắn với thị trường tiêu thụ nông sản, đào tạo nghề nông thôn và hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí khó như: môi trường, hộ nghèo… Ngoài ra, các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

NGUYỄN DIỆP
 

-------------------------

CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH GIA LAI


 

Có thể bạn quan tâm