Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở bờ sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi khi mùa mưa đến, các hộ dân sinh sống dọc sông suối lại thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất. Dù các ngành và địa phương đã nỗ lực tìm hướng khắc phục, song rất cần giải pháp căn cơ giúp người dân ổn định cuộc sống.

Thấp thỏm nỗi lo

Trên địa bàn huyện Ia Pa có hệ thống sông Ba, sông Ayun, suối Ia Thul, suối Đak Pi Hao… Vào mùa mưa lũ, mực nước trên các sông suối dâng cao gây ngập lụt diện tích hoa màu ở các khu vực trũng thấp. Đặc biệt, nỗi lo lớn nhất hiện nay là các vị trí bờ sông, suối thường xuyên bị sạt lở, các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi và khu vực đất sản xuất của người dân dọc các tuyến sông, suối bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Qua khảo sát sơ bộ, huyện Ia Pa có 3 khu vực sạt lở gồm: khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2 (xã Chư Răng), khu vực thôn Quý Đức (xã Ia Trok) và khu vực cầu Ia Kdăm (xã Ia Kdăm). Bà Trần Thị Xuân (thôn Quý Đức) phản ánh: “Mỗi khi mưa lũ đổ về, khu vực đất trồng lúa và hoa màu của người dân trong thôn thường bị sạt lở đất. Chỉ trong chốc lát, nhiều diện tích đất sản xuất bị dòng nước cuốn trôi. Vừa rồi, gia đình tôi cũng bị mất gần 1 sào đất sản xuất. Chúng tôi mong các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ chống sạt lở để giúp người dân yên tâm sản xuất”.

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, suối tại huyện Ia Pa. Ảnh: N.D

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, suối tại huyện Ia Pa. Ảnh: N.D

Còn ông Nguyễn Văn Trúc (thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng) thì cho hay: Gia đình ông sinh sống ở khu vực này đã mấy chục năm. Trước đây, nhà ông cách xa suối Pờ Yầu. Từ năm 2011 đến nay, tình trạng sạt lở đất thường xảy ra và dòng suối ngày càng sát gần móng nhà, nguy cơ mất nhà ở đang dần hiện hữu. “Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ trong thôn rất lo lắng mỗi khi có mưa lớn. Chúng tôi mong Nhà nước có các giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở đất. Đồng thời, chính quyền cũng cần hỗ trợ một phần kinh phí để các hộ dân di dời đến nơi ở mới”-ông Trúc bộc bạch.

Căn nhà của ông Trúc đã bị sạt lở đến móng nhà bếp. Ảnh: N.D

Căn nhà của ông Trúc đã bị sạt lở đến móng nhà bếp. Ảnh: N.D

Tại huyện Krông Pa, tình trạng sạt lở đất dọc sông Ba, nhất là đoạn từ hạ lưu cầu Lệ Bắc tới xã Chư Gu diễn biến hết sức phức tạp. Dòng chảy liên tục gây xói lở nghiêm trọng làm thu hẹp dần đất sản xuất của người dân. Đặc biệt, tình trạng xói lở cũng đang dần áp sát hành lang an toàn quốc lộ 25, đoạn chảy qua xã Chư Rcăm. Mới đây, xã Hà Ra và xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) cũng xuất hiện tình trạng sạt lở đất sản xuất của người dân khiến nhiều gia đình trong tâm trạng lo lắng.

Cần giải pháp căn cơ

Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông suối xảy ra từ nhiều năm qua. Trước mắt, huyện vận động người dân vùng sạt lở di dời đến nơi an toàn. Về lâu dài, huyện đã có báo cáo gửi các cấp đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, khu vực thôn Quý Đức và khu vực cầu Ia Kdăm.

Sạt lở đất dọc sông Ba tại xã Ia Trôk, huyện Ia Pa. Ảnh: N.D

Sạt lở đất dọc sông Ba tại xã Ia Trôk, huyện Ia Pa. Ảnh: N.D

Vừa qua, các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở dọc bờ sông, suối. Ngày 22-8, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 2272/TTr-UBND đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 750 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án gồm: kè chống sạt lở bờ sông Ia Sol đoạn qua thị trấn Phú Thiện với chiều dài 2,7 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng; kè chống sạt lở sông Ba tại khu vực xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông khu vực trạm bơm điện Chư Răng 2, khu vực thôn Quý Đức và cầu Ia Kdăm với chiều dài 4,5 km, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Hy vọng các dự án sẽ sớm được triển khai để người dân trong vùng ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm