Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Công thương Gia Lai ban hành Kế hoạch số 29/KH-SCT triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Sản phẩm của Hội Phụ nữ xã Chư Ngọc (Krông Pa) tham gia Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024. Ảnh: V.T

Sản phẩm của Hội Phụ nữ xã Chư Ngọc (Krông Pa) tham gia Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024. Ảnh: V.T

Mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa phù hợp với phong tục tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và với các vùng miền khác, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Kế hoạch sẽ tập trung các nhiệm vụ chủ yếu như: xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế của tỉnh; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng địa bàn; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng 1 mô hình điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm; đưa các sản phẩm nông sản của huyện, thị xã, thành phố tiêu thụ tại các siêu thị Co.opmart, WinMart và một số siêu thị bán lẻ tại các tỉnh khác. Triển khai các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa của các thành phần kinh tế. Lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc góp vốn cùng các huyện để xây mới, nâng cấp, cải tạo xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng địa bàn. Đồng thời, phối hợp với 9 huyện (Krông Pa, K’bang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê và Ia Grai) tổ chức các phiên chợ thuộc chương trình đồng bào dân tộc thiểu số; miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương…

Có thể bạn quan tâm