Gia Lai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được Nhà nước giao đất, giao rừng, những người dân thuộc cộng đồng làng Đê Tar, làng Klăh (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trở thành những người chủ thực thụ trong việc trực tiếp tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Nhận tiền chi trả từ diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là thành quả lao động của người dân ở 2 làng này khi diện tích rừng nhận giao khoán được giữ gìn và bảo vệ tốt.

Người dân hưởng lợi từ rừng

Mặc cho cơn mưa rừng ngoài trời vẫn còn nặng hạt, nhưng người dân làng Đê Tar và làng Klăh đã có mặt bên trong Hội trường UBND xã từ rất sớm-ai nấy đều cùng một tâm trạng háo hức, chờ đợi. Ông Bơi-Ttrưởng thôn Đê Tar-cho biết: Cộng đồng làng Đê Tar có 70 hộ dân tham gia quản lý và bảo vệ gần 2.222 ha diện tích rừng nhận giao khoán. Tổng số tiền nhận được từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chi trả cho người dân trong đợt này là 317,6 triệu đồng, trung bình mỗi hộ nhận được 4,5 triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn giúp họ trang trải trong cuộc sống lúc khốn khó nên ai nấy cũng đều phấn khởi.

 

Dịch vụ môi trường rừng giúp người dân vùng khó tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo Trưởng thôn Bơi, sau khi nhận rừng giao khoán, làng đã tổ chức họp dân, thông báo rằng đây là diện tích rừng mà làng Đê Tar đã nhận chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Do vậy, dân làng phải cùng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; không được chặt phá cây rừng, lấn đất rừng làm nương rẫy, lúc đó Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền cho bà con. Khi dân làng ai nấy đều đồng tình, với tư cách là trưởng thôn ông đã chia những hộ dân này ra thành từng tổ, nhóm thường xuyên vào rừng kiểm tra, kiểm soát phần diện tích rừng mà làng đã nhận khoán, kịp thời thông báo với chính quyền khi phát hiện rừng bị xâm phạm.

Cùng trong tâm trạng vui mừng, ông H’Ngếch-Trưởng thôn Klăk-chia sẻ: Làng Klăh có 91 hộ đều tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ 389 ha rừng. Do diện tích rừng nhận khoán ít nên tiền chi trả DVMTR nhận được ít hơn làng Đê Tar, trung bình mỗi hộ chỉ được 611.000 đồng. Ngoài việc có thêm khoản thu nhập để cải thiện cuộc sống, người dân làng Klăk còn được hưởng lợi từ rừng, đó là những lâm sản phụ như: củi đốt, nấm, măng rừng, mật ong… Chính vì vậy nên người dân trong làng đều động viên nhau cùng tham gia giữ rừng, không để rừng bị xâm canh hay lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Hàng tuần, hàng tháng, người dân làng Klăh đều phân công các tổ, nhóm (3-4 người) thường xuyên kiểm tra diện tích rừng nhận khoán.

“Mở rộng thêm hộ nhận khoán”

 

Nhận tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Nguyễn Thanh Kính-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-chia sẻ: Tổng diện tích rừng được giao khoán quản lý và bảo vệ rừng của 2 làng Đê Tar, Klăh là trên 2.610 ha với tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả là 371,3 triệu đồng. Đây là tiền dịch vụ môi trường rừng của các năm 2011, 2012, 2013 được chi trả cho cộng đồng dân cư ở 2 làng này-những người trực tiếp tham gia quản lý và bảo vệ rừng, với tư cách là những chủ rừng. Trên cơ sở phê duyệt của UBND tỉnh về phương án bảo vệ rừng giai đoạn 2013-2017 đối với phần diện tích rừng của xã Kon Chiêng, UBND xã đã rà soát danh sách các hộ khoán, hồ sơ đảm bảo đủ điều kiện ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng với xã. Từ đó, xã lập kế hoạch chi trả gửi về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổng hợp chung trong kế hoạch thu, chi tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR.

Bên cạnh đó, UBND xã Kon Chiêng tổ chức thành lập tổ công tác gồm 16 thành viên với lực lượng nòng cốt là lực lượng công an, dân quân xã thường xuyên phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn, tổ tự quản ở các làng hướng dẫn bà con tuần tra, canh gác trên diện tích rừng được giao khoán. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số hộ dân ở làng Đê Tar tăng hơn so với trước (do tách thêm hộ mới). Hiện tại có đến 115 hộ nhưng trong số này chỉ có 70 hộ nhận khoán rừng và được chi trả tiền DVMTR.

Vì vậy xã đang xin chủ trương điều chỉnh mở rộng đối tượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng cũng như đối tượng được hưởng chính sách chi trả từ DVMTR. Giải quyết được điều này thì mọi thắc mắc của bà con sẽ không còn, khi đó rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn, chất lượng rừng  được nâng cao, tăng thu nhập góp phần từng bước ổn định đời sống người dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm