Văn hóa

Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai

Gia Lai: Trên 1.000 nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 11-11, trên 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên đã có cuộc hội ngộ, trình diễn cồng chiêng đường phố chào mừng Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai năm 2023.

Nghệ nhân của 17 huyện, thị xã, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) và 4 tỉnh Tây Nguyên chia làm 2 đoàn, trình diễn trên 2 cung đường tại trung tâm Phố núi Pleiku. Đoàn 1 gồm 503 nghệ nhân xuất phát từ Bảo tàng tỉnh Gia Lai, di chuyển trên các tuyến đường: Phạm Văn Đồng-Phan Đình Phùng-Nguyễn Đình Chiểu-Quang Trung-Trần Hưng Đạo về kết thúc trước trụ đá Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Đoàn nghệ nhân huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) dẫn đầu đoàn trình diễn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn nghệ nhân huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) dẫn đầu đoàn trình diễn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn 2 gồm 504 nghệ nhân xuất phát tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai, di chuyển trên đường Trần Hưng Đạo qua tháp đồng hồ Bưu điện tỉnh, qua đường Hùng Vương-ngã ba Diệp Kính-đường Lê Lợi-Anh hùng Núp và kết thúc tại vị trí của đoàn 1.

Những chủ nhân của di sản cồng chiêng Tây Nguyên như: người Bahnar, Jrai của (tỉnh Gia Lai), người Êđê (tỉnh Đak Lak), người M’nông (tỉnh Đak Nông), người Giẻ Chiêng (tỉnh Kon Tum), người Mạ, K'ho Sre (Lâm Đồng) khiến khán giả mãn nhãn trước những bản nhạc kỳ vĩ và giàu thang âm của cồng chiêng, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, con rối, cùng vô vàn đạo cụ dân tộc học khác.

Bộ chiêng quý của cộng đồng Jrai huyện Chư Păh trình diễn diễn trên đường phố. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bộ chiêng quý của cộng đồng Jrai huyện Chư Păh trình diễn diễn trên đường phố. Ảnh: Hoàng Ngọc

Người dân và du khách đã dành nhiều tình cảm và cổ vũ nồng nhiệt khi các đoàn nghệ nhân đi qua, tạo nên bầu không khí sôi động, rộn ràng khắp các tuyến đường. Chị Nguyễn Thị Hà Ly-chủ cửa hàng quần áo trên đường Hùng Vương cho biết: "Một màn trình diễn quá tuyệt vời, đầy màu sắc của các nghệ nhân Tây Nguyên. Hoạt động này mang đến cho Phố núi Pleiku một bầu sinh khí rất sôi động, mới mẻ. Tôi mong tỉnh sẽ tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần quảng bá cho du lịch địa phương".

Những điệu múa trống huyền thoại của người Tây Nguyên khuấy động đường phố. Ảnh: Phương Duyên

Những điệu múa trống huyền thoại của người Tây Nguyên khuấy động đường phố. Ảnh: Phương Duyên

Nữ nghệ nhân Ka Hành (dân tộc K'ho Sre-một trong trong 2 dân tộc bản địa lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng) hào hứng: "Tôi rất bất ngờ, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến màn trình diễn có đông nghệ nhân Tây Nguyên như vậy, thực sự rất hoành tráng. Nhiều tỉnh vẫn còn lưu giữ những phong tục rất cổ xưa, mang đến một sắc màu văn hóa riêng, rất độc đáo. Qua đó, tôi thấy các dân tộc bản địa bảo tồn rất tốt truyền thống văn hóa của họ. Khi trình diễn qua các tuyến phố, các đoàn nghệ nhân được người dân TP. Pleiku chào đón, cổ vũ rất nồng nhiệt. Tôi thực sự rất vui và xúc động"

Một cuộc trình diễn đầy màu sắc của âm nhạc

Một cuộc trình diễn đầy màu sắc của âm nhạc

Trong khi đó, nghệ nhân Đinh Nuôc-đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) hào hứng cho biết, đây là lần đầu tiên anh và cộng đồng Bahnar ở xã xã Đak Pơ Pho được tham gia 1 sự kiện lớn như vậy. "Tôi rất vui vì được gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân của các tỉnh, học hỏi và biết thêm được rất nhiều cái mới về cồng chiêng và về bảo tồn văn hóa truyền thống. Tôi thấy cộng đồng các dân tộc rất đoàn kết, rất vui. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn di sản cồng chiêng tốt hơn nữa và mong các nghệ nhân Tây Nguyên có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu như tại festival lần này".

Đoàn nghệ nhân dân tộc K'ho Sre tỉnh Lâm Đồng vừa trình diễn cồng chiêng, vừa tái hiện đời sống sản xuất nông nghiệp của người bản địa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn nghệ nhân dân tộc K'ho Sre tỉnh Lâm Đồng vừa trình diễn cồng chiêng, vừa tái hiện đời sống sản xuất nông nghiệp của người bản địa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Lễ hội đường phố là sự kiện chào mừng Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai năm 2023, đồng thời tôn vinh những giá trị đặc sắc của di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Sự kết hợp của loại hình nghệ thuật dân gian như biểu diễn cồng chiêng cùng những điệu xoang Tây Nguyên, đi cà kheo được các nghệ nhân trình diễn trên các tuyến phố chính, mang đến những mảng màu văn hóa vô cùng độc đáo, ấn tượng. Khẳng định về "một nền nghệ thuật còn tươi rói chất tự nhiên thuần khiết, hồn nhiên và mộc mạc", được những người nghệ sĩ của Tây Nguyên phô diễn trước công chúng một cách tự hào.

Một số hình ảnh đường phố:

Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) góp sắc màu cho lễ hội đường phố. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) góp sắc màu cho lễ hội đường phố. Ảnh: Hoàng Ngọc

Điệu xoang Tây Nguyên. Ảnh: Phương Duyên

Điệu xoang Tây Nguyên. Ảnh: Phương Duyên

Sắc màu lễ hội đường phố. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sắc màu lễ hội đường phố. Ảnh: Hoàng Ngọc

Du khách thích thú khi đến Gia Lai vào dịp lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Du khách thích thú khi đến Gia Lai vào dịp lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm