Gia Lai: Triển vọng thoát nghèo từ một dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án hỗ trợ phát triển nông thôn huyện Mang Yang (Gia Lai) do tổ chức Action Aid Việt Nam tài trợ với mục tiêu giúp cho các xã đặc biệt khó khăn của huyện có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là chương trình hỗ trợ cộng đồng phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp bền vững thông qua áp dụng các mô hình sinh kế và mô hình quản lý dựa vào cộng đồng.
Thời gian qua dự án này đã triển khai được nhiều chương trình hết sức hiệu quả và thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng huyện Mang Yang.
Tập huấn chế biến nông sản cho bà con. Ảnh: Hà Đức Thành
Thông qua dự án với mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nông dân người dân tộc Bahnar, qua việc hình thành mạng lưới liên kết thị trường và đưa vào hoạt động tại 3 xã, mạng lưới tiếp cận thị trường của 3 xã bao gồm: Ban phát triển làng, hợp tác xã cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, nhóm liên kết thị trường. Khi hình thành được các mạng lưới này thì tài nguyên rừng tại các dự án được bảo vệ tốt hơn, các mô hình sinh kế bền vững và thân thiện môi trường được chuyển giao cho các nhóm nông dân, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản suất được nâng cao thông qua chế biến sản phẩm.
Qua triển khai dự án đã có những hoạt động thiết thực như tổ chức tập huấn về kỹ năng mua bán, cách thức tiếp cận thị trường, cách ghi sổ sách cho các thành viên ban phát triển làng, cán bộ đại lý cộng đồng, cán bộ điều hành ki-ốt thông tin, bên cạnh tập huấn Ban Quản lý dự án cũng đã hỗ trợ cho 3 đại lý cộng đồng mỗi đại lý 46 triệu đồng để mua và bán các sản phẩm mà đồng bào địa phương cần.
Ông Dút-nhóm trưởng đại lý cộng đồng xã Kon Chiêng vui vẻ cho biết: Từ khi đại lý đi vào hoạt động đã tạo điều kiện rất nhiều cho bà con dân tộc ở xã, vì đại lý mua bán các sản phẩm đúng giá, không bị thương lái ép giá như trước đây, nên bà con phấn khởi lắm. Để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận kỹ thuật chế biến nông sản Ban Quản lý dự án đã cử cán bộ kỹ thuật về tận xã và đưa thiết bị chế biến về để bà con nông dân thực hành. Qua các lớp tập huấn để trang bị cho bà con về kỹ thuật chế biến cây bời lời, bắp, cách sử dụng máy chế biến…
Ông Trần Đình Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết: Thông qua việc triển khai các mô hình của dự án đã giúp người dân tiếp cận được thông tin về giá cả thị trường, về nông-lâm sản, vật tư nông nghiệp dễ dàng qua ban phát triển làng, ban liên kết thị trường, ki-ốt thông tin. Do xuất phát từ nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương nên các hoạt động của dự án đã thu hút sự tham gia đầy đủ của cộng đồng và chính quyền địa phương.
Việc hình thành các đại lý cộng đồng được người dân và chính quyền địa phương ủng hộ và đánh giá cao, đây là mô hình mới, do chính đồng bào dân tộc thiểu số quản lý và điều hành và nơi đáng tin cậy để người địa phương đến mua bán nông-lâm sản, vật tư, nhu yếu phẩm. Các đại lý này ngày càng thu hút các hoạt động mua bán của người dân.
Qua thực tiễn triển khai các hoạt động của dự án tại 3 xã vùng III của huyện Mang Yang cho thấy tính tích cực của dự án, người dân của vùng dự án đã hưởng lợi rất nhiều từ dự án này, mặc dù mới đi vào hoạt động gần 4 năm nhưng dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hy vọng rằng thời gian tới với những cách làm cụ thể, thiết thực dự án hỗ trợ phát triển nông thôn huyện Mang Yang sẽ là người bạn đồng hành với những người dân ở các xã vùng đặc biệt khó khăn trên con đường thoát nghèo.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm