(GLO)- Lễ Quốc khánh 2-9 năm nay trùng với dịp cuối tuần, đây là thời gian để nhiều người dân Gia Lai có dịp tổ chức vui chơi, chọn những chuyến du lịch ngắn ngày như xuống biển Quy Nhơn, đi dã ngoại ở Đà Lạt, Kon Tum… Riêng nhóm bạn “Áo xanh” lại chọn cách vượt hành trình hơn 100 km để cùng về làng Groi, xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro tổ chức sinh hoạt, chung vui cái Tết độc lập cùng với đồng bào tại xã Anh hùng.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Rời phố về làng
Như kế hoạch, đúng 7 giờ ngày 31-8, tất cả 45 thành viên đăng ký hành trình về làng Groi có mặt tại điểm hẹn, sau vài phút sắp xếp, cột hành lý lên từng xe máy, tất cả cùng nhau xuất phát về với làng. Vượt qua chặng đường hơn 100 km qua các huyện Đak Đoa, xuống đèo Mang Yang, Đak Pơ và theo đường Đông Trường Sơn để tiến về trung tâm huyện Kông Chro. Hơn 1/4 chặng đường đã vượt qua, nhưng chừng 15 km để về với làng Groi, xã Đak Tơ Pang là những quãng đường đầy khó khăn đối với nhiều người. Với đủ loại xe máy (xe số, xe tay ga) và người điều khiển phương tiện dù thuộc loại “cự phách” ở phố, nhưng đến điểm đầu vào xã Đak Tơ Pang không ít người phải ngần ngại trước con đường uốn lượn đầy đất, đá, ngầm nước và cả những con dốc cần người lái phải chắc tay để chinh phục, và có bạn bị ngã đau, nhưng tất cả những điều đó không là chi bởi phía trước dân làng Groi đang đợi. Trong số 45 thành viên về làng trong dịp này, có những bạn ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Bình Dương đã sắp xếp thời gian để đi cùng đoàn, không chỉ vậy, sau khi kết nối và biết nhau qua trang mạng xã hội, có một thành viên đã mời cả mẹ của mình và bà rất vui khi đi cùng với đoàn.
Về Kông Chro qua đường Đông Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác |
Dù gặp nhiều trở ngại trên đường, tất cả các thành viên mang những chiếc áo xanh tình nguyện (màu áo của nhóm bạn quen biết thông qua trang Pleikucafe.com và các trang mạng xã hội khác, họ đã cùng nhau vận động cá nhân, gia đình cho lại những bộ quần áo cũ, sách vở và kinh phí để mua các vật dụng về tặng lại dân làng nơi còn nhiều khó khăn tại các làng trong tỉnh Gia Lai) cũng đã đến trước ngôi nhà rông làng Groi. Đến nơi, mỗi người một việc, các bạn nữ nấu cơm, chuẩn bị cho bữa ăn, còn các bạn nam thì mắc điện, lắp rắp bộ tivi mua tặng dân làng, hay việc cưa cây dựng sân khấu, sắp xếp quà tặng; nhóm thì tổ chức tìm các thành viên nhí trong làng có năng khiếu âm nhạc để tập cho các em tiết mục múa sôi động… mệt lã sau công việc, đến 15 giờ, mọi thành viên mới có bữa ăn trưa đầu tiên tại làng, một điểm khá đặc biệt so với ở phố là tất cả thức ăn đều được bày biện trên lá chuối giống như cách dân làng ở đây chọn khi tổ chức lễ hội.
Làng Anh hùng bên suối H’Way
Trong lúc tất cả thành viên tiếp tục công việc quen thuộc để chuẩn bị cho đêm lễ hội chính ngay tại nhà rông của làng, thì có Bí thư Đảng ủy xã-ông Đinh Hyach đến xem mọi người làm việc, đồng thời ông cũng kêu gọi thanh niên trong làng Groi, làng Kpiêu cùng đến giúp mỗi người một việc cho nhanh chóng. Tại đây, qua trao đổi, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 250 hộ (131 hộ nghèo) với 1.451 khẩu với phần lớn là người Bahnar sinh sống tại 6 làng. Sau gần 40 năm đất nước thống nhất, cái nghèo khó vẫn luôn đeo bám dai dẳng với vùng đất này dù có rất nhiều chương trình được triển khai nhằm vực dậy vùng đất khó. Thực hiện chương trình nông thôn mới, toàn xã mới chỉ đạt được 1/19 tiêu chí về 100% nhà dân sử dụng điện lưới quốc gia, trong năm đến xã cố gắng hoàn thành tiêu chí về đường nông thôn, nhưng để đạt được rất cần sự quan tâm từ các cấp chính quyền, toàn xã hiện có khoảng 5/13 km đường được kiên cố hóa, còn lại đều rất khó đi, dốc cao nguy hiểm.
Giao lưu thể thao trước nhà rông làng Groi. Ảnh: Nguyễn Giác |
Tìm hiểu thêm được biết, với vị thế hiểm trở, nằm sâu trong vùng núi, phía trước là dòng suối H’Way quanh năm chảy xiết, nơi đây được bộ đội ta chọn làm khu căn cứ cách mạng hoạt động suốt hai cuộc kháng chiến, có không ít người con của vùng đất này theo Bác Hồ, nhiều người được đưa ra miền Bắc học tập, về hỗ trợ đắc lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kết thúc chiến tranh, năm 1998 xã Đak Tơ Pang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đó cũng là niềm vinh dự lớn nhất của xã cho đến nay. Còn lại, nhiều mặt như y tế, giáo dục chỉ đạt ở mức thấp, riêng 2 làng Groi và Kpiêu chưa có lớp học mầm non, các em phải học lớp tạm. Nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn vẫn là canh tác nương rẫy, dù những khoa học kỹ thuật được tập huấn, nhưng vị thế hiểm trở, đồi đất cao nên máy móc hiện đại không thể đưa vào sử dụng tại đây, thu nhập cao nhất mỗi hộ chỉ đạt đến mức 30 triệu đồng, số tiền này cũng đủ để trang trải trong cả năm, thời gian qua, hạn hán kéo dài nên bữa ăn của nhiều hộ có thêm có những củ khoai mì, quả bắp nướng. Cũng chính vì cái khó, cái khổ ấy, những thành viên tình nguyện “áo xanh” lại một lần trở về xã Đak Tơ Pang nơi họ đã đến thăm, tặng quà cho bà con tại làng Boòng, Krap vào dịp đầu tháng 8 vừa qua.
Mừng Tết độc lập
Sau tất cả những gì đã chuẩn bị, điện chiếu sáng, âm thanh, đoạn phim hành trình về làng Groi cũng được các chuyên gia trong nhóm hoàn thành. Về phía dân làng, nhằm tạo thêm không khí cho đêm hội mừng Tết độc lập diễn ra trước sân nhà rông, các thanh niên trai tráng cùng những cô gái Bahnar mặc bộ trang phục truyền thống đã đến trước cổng làng đang sập sình nhịp chiêng, điệu xoang để tiếp đãi những người bạn nơi xa vừa đến. Lúc này, người dân sinh sống tại các làng Groi, Kpiêu, Boòng, Krap… đã đến kín cả sân nhà rông, các bà mẹ có con nhỏ, người già và nhiều nhất là các em học sinh được ưu tiên ngồi ở vị trí đầu, tất cả mọi người đều trò chuyện trong vui vẻ. Bà Đinh Thị Blung, dù đã 80 tuổi nhưng khi nghe có người về làng chơi bà rất vui, bà nói: Vui lắm, lâu rồi trong làng mới vui như hôm nay.
Ông Đoàn Minh Phụng-Tổng Biên tập Báo Gia Lai tặng quà cho dân làng Groi. Ảnh: Nguyễn Giác |
Thật vậy, mỗi khi trong làng tổ chức các lễ hội lớn như mừng năm mới, cầu được mùa, lễ cưới… đều huy động cả làng cùng tham gia tổ chức, biểu diễn cồng chiêng, dịp này lại càng vui hơn khi có nhiều bạn bè cùng đến với dân làng chung vui mừng lễ Quốc khánh 2-9. Xuyên suốt trong đêm hội, ngoài việc các thành viên trong nhóm “áo xanh” tổ chức trao tặng 313 phần quà gồm các nhu yếu phẩm như: nước mắm, đường, áo mưa, chén ăn… và 2 bộ ti vi kèm chảo thu sóng tặng nhân dân của 2 làng Groi, Kpiêu, thì phần lớn thời gian của đêm hội diễn ra từ 20 giờ đến tận 3 giờ sáng hôm sau đều dành cho những tiết mục giao lưu văn nghệ với những bài hát về tình yêu đất nước, con người, xen lẫn là những bài chiêng trầm bỗng vang vọng khắp buôn làng. Càng về đêm, dù những âm thanh nhỏ dần, bên cạnh ngọn lửa hồng, những ché rượu luôn được đong đầy, những thanh niên tiếp tục mời nhau cùng vít cong cần rượu cay nồng, hơi ấm từ giọt rượu mang lại càng giúp cho mọi người thêm biết quý nhau hơn.
Vui mừng khi người dân trong làng nhận được nhiều phần quà, ông Bí thư Đảng ủy xã Đak Tơ Pang nói: Dân làng vui lắm, rất mong các bạn lại đến và dân làng lại mở hội cồng chiêng, mở những ché rượu cần để mọi người cùng nhau hát mừng ngày vui của dân tộc. Chúng tôi, cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền giúp xã, dân làng có thêm điều kiện sản xuất, vượt qua khó khăn như hiện nay.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Bên cạnh cuộc vui thâu đêm với dân làng, nhiều người dù rất mệt, nhưng vẫn biết rằng công việc vẫn còn, từ sáng sớm, khi tiếng gà vừa cất tiếng thì tất cả thành viên đã lại tiếp tục giúp nhau sắp xếp lại những món quà là sách vở, quần áo, giày dép cũ (tất cả do các thành viên vận động, quyên góp được từ người thân, trong số đó có cả những món quà từ TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đà Lạt, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng… đóng góp) vào những vị trí thuận lợi nhất, để rồi lần lượt chuyền tay nhau chuyển đến tất cả những em học sinh, người dân trong làng. Công việc kết thúc trong buổi sáng ngày hôm sau, tất cả lại chuẩn bị cho hành trình kế tiếp vào đầu tháng tới.
Chia tay các thành viên trong đoàn, dân làng như lưu luyến, họ đứng thành hàng dài, người thì vẫy tay, người thì dùng điện thoại để ghi lại những hình ảnh trước khi mọi người ra khỏi làng. Hành trình trở lại Phố núi hơn 100 km, nhưng tất cả những niềm vui, sự nồng nhiệt mà dân làng đã dành cho đó là động lực giúp mọi người thêm nghị lực vượt qua những con dốc nguy hiểm, trơn trượt đã làm cho một số thành viên bị ngã và rồi tất cả lại cùng nhau trở về nhà, tiếp tục những hoạt động cho hành trình về với bà con tại huyện Krông Pa vào dịp Tết Trung thu sắp đến.
Ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng nhóm “áo xanh” tình nguyện cho biết: Hoạt động này diễn ra tự phát giữa những người có cùng sở thích, kinh phí được một số cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ để sử dụng mua các nhu yếu phẩm cho mỗi đợt tổ chức. Ban đầu chỉ có một số thành viên, hiện tại có rất đông, trong đó có những bạn ở khá xa như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Đà Lạt, trong tỉnh thì có những bạn ở tận Krông Pa, Kông Chro, Kbang… Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thông qua sự giúp đỡ, đồng thuận của chính quyền địa phương. Trong kế hoạch, sẽ giúp đỡ về kinh phí điều trị bệnh bứu cổ cho một bệnh nhân sinh sống tại huyện Kông Chro. |
Nguyễn Giác