Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 có chủ đề “Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng” nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự hoàn thiện nhân cách cá nhân nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Gia đình no ấm, hạnh phúc, có văn hóa thì xã hội mới lành mạnh, văn hóa, văn minh, đất nước mới phát triển.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam dù có những thay đổi nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại. Gia đình vẫn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thật tốt là “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Việc phát huy những yếu tố truyền thống tích cực và tiếp thu những giá trị mới sẽ làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Dù nhịp sống công nghiệp hối hả, dù đứng trước những tác động của thời đại công nghệ, mối quan hệ gia đình có những thay đổi, bữa cơm chung của gia đình có ít hơn, các thành viên ít có thời gian quan tâm đến nhau hơn; các quan hệ về hôn nhân, về quyền bình đẳng, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản; sự tự chủ về kinh tế làm cho phụ nữ ít phụ thuộc vào nam giới hơn… nhưng những giá trị cốt lõi của gia đình vẫn luôn được bảo vệ. Tinh thần thương yêu đùm bọc lẫn nhau; tình thủy chung, đạo hiếu nghĩa; tinh thần sẻ chia khó khăn, động viên nhau vượt qua thử thách trong cuộc sống luôn được mỗi cá nhân giữ gìn, vun đắp.
Gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống mà còn là môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho mỗi con người. Thành tựu của công tác xây dựng gia đình góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị-xã hội ở địa phương. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là yếu tố quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.