Giá trị phổ quát nhân cách siêu tuyệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân sự kiện tượng ngọc Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông được cung nghinh và trưng bày tại Tổ đình Từ Đàm (TP. Huế), Gia Lai online đã có cuộc phỏng vấn Đại đức-Tiến sĩ Thích Không Nhiên-Phó Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, để góp thêm một cái nhìn về cuộc đời và nhân cách của người được xem là vị Phật của lòng dân.

- Trong lịch sử Việt Nam, Trần Nhân Tông được xem là vị vua anh minh lỗi lạc và vô cùng nhân hậu. Theo Đại đức, điểm nổi bật trong đường lối trị nước cũng như trong việc điều hành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Trần Nhân Tông là gì?

Cuộc đời, sự nghiệp và hành trang của Phật hoàng Trần Nhân Tông, từ xưa đến nay sử sách đã xưng tụng rất nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên một số điểm nổi bật trong đường lối trị nước cũng như trong việc điều hành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Ngài để chúng ta cùng suy ngẫm.

 

Đại đức-Tiến sĩ Thích Không Nhiên và phó bản bức thư họa “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ” sưu tập được. Ảnh: T.V

Thứ nhất là về chủ trương dùng tiếng Việt (chữ Nôm): Qua sử sách ghi lại, Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ sử dụng tiếng Việt trong những trước tác thơ văn của mình sau khi xuất gia, mà ngay khi còn tại vị, các văn bản hành chính của triều đình vua cũng thường chỉ dụ cho các quan phụ trách ở Ty Hành khiển và Viện Hàn lâm, mỗi khi truyền đạt chiếu chỉ của nhà vua phải sử dụng cả hai thứ tiếng (tiếng Hán và tiếng Việt).

Điều này được Đại Việt Sử Ký Toàn thư hiện còn ghi lại qua việc vua Trần Nhân Tông nhắc nhở Lê Tòng Giáo (Ty Hành khiển) và Đinh Củng Viên (Viện Hàn lâm) phải phối hợp với nhau mỗi khi truyền đạt chiếu chỉ của nhà vua, theo đó “Viện Hàn lâm phải chuyển bản thảo tờ chiếu cho Ty Hành khiển xem trước, đến khi tuyên đọc thì gồm cả âm lẫn nghĩa để cho dân thường dễ hiểu”. Chính điều này cho thấy, Trần Nhân Tông đã ý thức rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ dân tộc và vận mệnh đất nước như thế nào!    

Thứ hai là chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc: Sau khi trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi, vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông đồng chủ trì một buổi thiết triều để tuyên dương công trạng những người có công lớn trong kháng chiến. Các quan đại thần cho khiêng vào những hòm tài liệu thu thập được trong chiến tranh, trong đó chứa các tờ biểu xin đầu hàng giặc của các vương hầu quan liêu, trình lên vua và đề nghị xử phạt thích đáng.

Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng không những không xem xét để hạch tội mà liền sai quần thần khiêng các hòm tài liệu ấy ra đốt ngay, với chỉ dụ rằng, làm như thế “để yên lòng những kẻ phản trắc”. Đó chính là một kế sách cảm hóa và thu phục nhân tâm, một chủ trương nhân đạo, vị tha nhằm đoàn kết toàn dân chung tay xây dựng đất nước, khép lại những tang thương, mất mát sau khi chiến tranh đã đi qua.

Thứ ba là vấn đề xây dựng nhân sự kế thừa của Thiền phái Trúc Lâm: Sau chiến tranh 5 năm, vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng. Một năm sau đó (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tại Vũ Lâm (Ninh Bình), sau đó thành lập Thiền phái Trúc lâm Yên tử và trở thành Sơ Tổ, với tôn hiệu Trúc lâm đại đầu đà. 16 năm sau, chính tại Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông lại thực hiện một cuộc truyền ngôi khác, lúc này không phải là truyền ngôi vua lại cho con mà là truyền ngôi Tổ cho đệ tử.

Sự kiện này được sách Tam tổ thực lục ghi lại như sau: Sáng mồng Một Tết Mậu Thân (1308), Điều Ngự (tức Sơ Tổ Trần Nhân Tông-P.V) dẫn đệ tử Pháp Loa vào lễ tổ tại tổ đường chùa Siêu Loại, sau khi lễ tổ xong cho đệ tử xuống thực đường (nhà ăn) cùng ngồi ăn cháo điểm tâm với mình. Sau đó, Điều Ngự thăng tòa thuyết pháp tại giảng đường Cam Lộ (chùa Siêu Loại). Thuyết pháp xong, Điều Ngự rời pháp tòa, đi xuống, dẫn tay Pháp Loa đưa lên ngồi trên pháp tòa ấy. Điều Ngự đứng chắp tay đối diện thỉnh hỏi, Pháp Loa đáp lời, Điều Ngự bèn trao áo pháp cho Pháp Loa khoác vào, rồi ngồi xuống ghế một bên nghe Pháp Loa thuyết pháp. Sau đó, Điều Ngự đem toàn bộ sơn môn giáo hội Trúc Lâm và chùa Siêu Loại ủy thác cho Pháp Loa kế thế lãnh đạo, làm vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Thứ tư là ngoại giao bằng giải pháp hoà bình: Vùng đất Thuận Hóa được xem là sính lễ của Chiêm Thành dâng cho Đại Việt, sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vân du hóa đạo tại Chiêm Thành trở về và gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân vào năm Bính Ngọ (1306). Vùng đất này được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt bằng con đường hòa bình. Có một điều mà chúng tôi cảm thấy hết sức thú vị, và suy ngẫm mãi, về mối liên hệ thiết thân giữa Phật hoàng Trần Nhân Tông với vùng đất Thuận Hóa của chúng ta.

 

Chùa Trúc Lâm Yên Tử.

Mối liên hệ này xảy ra khi ngài đã là một vị xuất gia, làm Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chứ không phải trong tư cách một vị hoàng đế. Và đặc biệt hơn, dường như có một sự nối kết nào đó giữa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với Thiền phái Liễu Quán ở vùng đất Thuận Hóa, vì trong suốt dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, đây là hai dòng thiền thuần Việt duy nhất do chính người Việt sáng lập và vẫn còn tiếp nối, phát triển cho đến tận hôm nay. Vì sao trong hai thời điểm lịch sử đó lại có hai dòng thiền thuần Việt ra đời, phát triển độc lập, tách khỏi sự ảnh hưởng của các dòng chảy thiền tông Trung Quốc trước đó? Đó là điều mà chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ.

- Phải chăng, với nhân cách siêu tuyệt ấy mà từ thế kỷ XIII (thời nhà Nguyên) đã có một họa sư tên là Trần Giám Như đã khắc họa lại hình tượng của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua bức thư họa “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ” nổi tiếng và gần đây tại Đại học Harvard-Hoa Kỳ, một viện nghiên cứu về Trần Nhân Tông ra đời và một giải thưởng về hòa hợp, hòa giải được thành lập mang tên Trần Nhân Tông?

Chắc chắn là như vậy. Từ thế kỷ XIII, khi phương tiện giao thương còn hạn chế mà các lân bang như Trung Quốc, Chiêm Thành đều biết đến và tỏ lòng kính ngưỡng trước nhân cách của Phật hoàng Trần Nhân Tông thì trong thời đại truyền thông phát triển như hôm nay, việc các nước phương Tây có những động thái, ứng xử như trên cũng là một việc hết sức bình thường. Giải thưởng về “hòa hợp-hòa giải” mang tên Phật hoàng Trần Nhân Tông là do các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục uy tín hàng đầu của thế giới đứng ra sáng lập.

Ngày 22-9-2012, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Trường Đại học Harvard: hai chính khách Myanmar, ông Thein Sein-Tổng thống, và bà Aung San Suu Kyi-lãnh tụ của đảng Liên minh Dân chủ là hai nhân vật đầu tiên được chọn để trao giải thưởng ấy. Đó chính là sự tôn vinh của quốc tế về tư tưởng “hòa hợp-hòa giải” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà hậu duệ chúng ta thực sự cảm thấy nức lòng, tự hào để tiếp bước.

- Được biết Đại đức hiện đã sưu tập được một phó bản của bức thư họa “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ” nổi tiếng. Đại đức có thể cho biết rõ hơn những thông tin về bức thư họa nói trên?

Về bức thư họa “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ”, chúng tôi không phải là người chuyên môn nên không đủ thẩm quyền để đưa ra những ý kiến xác thực. Những thông tin đầy đủ về họa phẩm này đã được Tiến sĩ Nguyễn Nam, một nhà sử học định cư tại Mỹ, người đã có công theo dõi, nghiên cứu và có những chuyên khảo khá đầy đủ đăng trên nội san Suối Nguồn của tu viện Huệ Quang (TP. Hồ Chí Minh).

Theo chúng tôi được biết, bức thư họa này được thực hiện dưới thời nhà Nguyên, trải qua các triều đại Minh, Thanh, nó được lưu truyền rộng rãi trong giới văn nhân mặc khách và được xem là một trong những bảo vật quốc gia. Bản gốc của bức thư họa này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc). Vào tháng 4-2012, tại Bắc Kinh, một phó bản của bức thư họa này được phục chế bằng kỹ thuật cao và được đưa ra bán đấu giá lên đến 1,8 triệu USD.

Đây là bức thư họa có hình thức tranh thủ quyển, với chiều cao 0,7 mét và chiều dài gần 10 mét, trong đó phần chính của bức tranh khoảng 3 mét. Nội dung bức tranh có thể hình dung như sau: Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhân vật trung tâm, được khắc họa dưới hình thức là một tu sĩ, ngồi an nhiên trên võng cáng có người khiêng, theo sau là đoàn chư tăng phương Nam cùng voi trắng chở kinh, phía trước là vua Trần Anh Tông cùng các quần thần với lọng tàn đứng xa xa như đang đợi cung đón Phật hoàng.

Từ khi biết được thông tin về cuộc đấu giá về bức thư họa ấy tại Bắc Kinh, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm, theo dõi với ước mong làm sao có được một phó bản ấy. Thật may mắn là nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã sưu tập được và gửi tặng.

Khi được tiếp xúc với bức thư họa này, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là thực sự xúc động vì biết rằng đây là bức tranh khắc họa lại hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông vào năm 1363, tức gần như cùng thời Phật hoàng còn tại thế, do vậy mà tính xác thực và ý nghĩa lịch sử về hình tượng siêu tuyệt ấy dường như vẫn còn thấp thoáng đâu đây đằng sau những nét vẽ.

Về nội dung bức tranh, có phải là khắc họa lại bối cảnh vua Trần Anh Tông và các triều thần cung đón Phật hoàng từ động Vũ Lâm (Ninh Bình) đi ra theo giả định của Thạc sĩ Phạm Văn Tuấn-Viện Hán Nôm hay không? Nếu vậy thì giải thích thế nào về phân cảnh voi trắng chở kinh và đoàn chư tăng trong trang phục Phật giáo Nam truyền đi theo sau? Chúng tôi nghĩ rằng, việc nối kết những cứ liệu lịch sử để giải thích và khuôn mẫu nội dung bức tranh vào những bối cảnh lịch sử cụ thể là rất khó.

Và một điều nữa, trong tựa đề “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”, chữ “xuất sơn” chưa hẳn chỉ mang ý nghĩa là “ra khỏi núi” hay “xuống núi”, mà có thể hiểu rộng hơn, việc Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia thành đạo, thường đi khắp hang cùng ngõ hẻm để giảng thuyết về 10 điều thiện cho người dân, hoặc có khi ngài vân du hóa đạo sang tận Chiêm Thành, đó cũng được hiểu là “xuất sơn” (với ý nghĩa là nhập thế, hành Bồ tát đạo). Vậy phải chăng tác giả bức tranh này đã sử dụng bút pháp tượng trưng để khắc họa lại những nét nổi bật nhất về hành trang của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong suốt thời gian ngài vân du hóa đạo? Chúng tôi nghĩ rằng rất có thể là như vậy.

- Xin cảm ơn Đại đức về những thông tin thú vị này!

Thanh Vân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm