Thời sự - Bình luận

Giá xăng gây áp lực lạm phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lạm phát đang ngấm vào mọi ngóc ngách của đời sống. Thế nhưng giá xăng thì cứ 10 ngày lại điều chỉnh một lần, liên tục tăng và người dân, doanh nghiệp lại đang ngồi trên lửa.

Bị áp lực bởi giá xăng

Chị Nguyễn Nhật Linh (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể, năm 2018, chị chuyển nhà đến đây, lò bánh mì nhỏ cạnh nhà bán 1.000 đồng/ổ nhỏ. Sang giữa năm 2020, Covid-19 hoành hành, khó khăn do giá bột, men, than… tăng, chủ lò bánh đã tăng giá bán lên 2.000 đồng/ổ. Năm 2021 tăng lên 3.000 đồng/ổ và từ tháng 3.2022 đến nay, ổ bánh mì bán tại lò giá 5.000 đồng. Như vậy, sau 5 năm, ổ bánh mì đã tăng gấp 5 lần. Nếu tính sau 2 năm đại dịch, tăng gấp 2,5 lần. Chẳng riêng gì bánh mì, chai nước suối 5 lít hiệu Aquafina cuối tháng 5 chị mua giá 25.000 đồng nay đã lên 28.000 đồng (tăng 12%) tại tiệm tạp hóa gần nhà.


 

 Giá xăng dầu là một trong những “thủ phạm” gây lạm phát cho các nền kinh tế. Ảnh: Độc Lập
Giá xăng dầu là một trong những “thủ phạm” gây lạm phát cho các nền kinh tế. Ảnh: Độc Lập


Hôm nay (13.6), các dự báo đều cho thấy, giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng, xăng vượt ngưỡng 32.000 đồng/lít, có thể tiệm cận mức 33.000 đồng/lít đối với xăng RON 95-V tại thị trường vùng 2. Chưa đầy nửa năm, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã tăng 60% kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, dịch vụ, nguyên vật liệu… tăng chóng mặt.

Anh Thanh Tân, trưởng phòng marketing của một công ty cung cấp hương liệu tại Bình Dương, chia sẻ: “Công việc giờ đã vào guồng trở lại nhưng tìm kiếm khách hàng mới khá khó khăn. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên các đối tác cũ cũng thận trọng chưa đẩy mạnh, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Đối tác chủ yếu là các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng, F&B nên công ty của anh Tân không mất nhiều thời gian để vực dậy sau đại dịch bởi khi hoạt động mua sắm, đi lại trở lại là công ty đã lập tức có đơn hàng. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, giá cả đang “gây áp lực” với túi tiền của người dân nên sức mua trên thị trường giảm rất nhiều, kể cả đối với những ngành hàng thiết yếu. “Ngay bản thân mình cũng hạn chế ăn uống, tụ tập bên ngoài để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thay vì ra ngoài tốn 50.000 - 70.000 đồng 1 ly cà phê, mình tự mua cà phê rang xay về nhà pha mỗi sáng. Bản thân mình cũng cảm nhận rất rõ áp lực lạm phát đang đè nặng, mọi thứ xung quanh cái gì cũng đắt đỏ. Cũng bởi vậy nên dù giá nguyên liệu đến nay đã tăng khoảng 15 - 20% nhưng giá sản phẩm công ty bán ra chỉ mới dám điều chỉnh tăng 8 - 10%. Tăng cao quá mất khách”, anh Thanh Tân cho biết.

Không chỉ ngành hàng tiêu dùng, vận tải từ hàng không tới đường bộ đều đã phải điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài cầm cự trước bão giá xăng dầu. Vé máy bay thường xuyên neo ở mức cao; vận tải đường bộ “cực chẳng đã” phải phụ thu chênh lệch giá nhiên liệu.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng mạnh lên 2,86%. Chỉ riêng trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu khiến xăng tăng 6%, dầu tăng 4%, đẩy CPI nhóm giao thông bật cao nhất với 2,34%. Như vậy dư địa tăng CPI mà nhà nước đặt ra cho năm nay chỉ còn 1,75% cho 7 tháng còn lại. Có thể thấy, lạm phát đã lộ diện, không còn là nguy cơ nữa.

Ngăn chặn đà tăng giá hàng thiết yếu, dịch vụ công…

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận từ đầu năm đến nay trong nước đã trải qua hơn chục lần điều chỉnh tăng giá xăng, đẩy theo giá hàng hóa tăng cao. Các biện pháp được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra trước đây như khuyến khích doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi tiêu để giữ giá hàng hóa đến giờ phút này hoàn toàn không có tác dụng. Muốn kiềm chế lạm phát tại thời điểm này, không còn cách nào khác ngoài việc lập tức thông qua chính sách giảm thuế để ghìm đà tăng của giá xăng dầu. Tuy vậy, xăng dầu không phải là tác nhân duy nhất đẩy lạm phát tại VN tăng cao.

Cần đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, phân tích thêm: “Áp lực lớn nhất của VN trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát. Giải pháp cơ bản là cần đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Nhận diện đầy đủ nguyên nhân như vậy thì cơ quan quản lý mới xây dựng được các giải pháp, chính sách cho từng nhóm để giảm áp lực lạm phát”.


Theo ông Ánh, yếu tố tác động lớn nhất đến lạm phát trong năm 2022 là việc điều hành chính sách của các cơ quan quản lý, đặc biệt là việc triển khai, sử dụng gói kích thích trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Năm 2021, áp lực lạm phát cũng rất lớn khi lạm phát toàn cầu tăng vọt, nhưng tại VN, lạm phát chưa tới 2%. Nguyên nhân cơ bản là sức cầu trong nước quá yếu. Song, một trong những mục tiêu quan trọng của gói kích thích kinh tế năm 2022 là kích cầu tiêu dùng. Nếu kích cầu thành công thì rào cản lớn nhất ngăn lạm phát tăng - như trong năm 2021 - sẽ bị phá vỡ, lạm phát sẽ không còn bị kìm cương và có khả năng tăng phi mã.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không kém là lạm phát tâm lý. Khi số đông cho rằng lạm phát sẽ tăng thì họ tìm mọi cách trốn chạy bằng cách chối bỏ đồng tiền có khả năng lạm phát cao, tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. Ngay lập tức, trên thị trường tràn ngập tiền mặt, trong khi giá tài sản trú ẩn tăng cao. Khi đó, vòng quay đồng tiền sẽ tăng nhanh, tương tự như hiện tượng “củ khoai tây nóng” không ai muốn cầm lâu. Như vậy, lạm phát tự khắc sẽ tăng lên xuất phát từ chính lạm phát tâm lý ban đầu.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đặt vấn đề: Khi gói phục hồi tăng trưởng còn chưa giải phóng, lạm phát tăng khiến hoạt động kinh doanh có nguy cơ đình trệ do chi phí đầu vào tiếp tục tăng, dẫn đến mất cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm, lạm phát đẩy lên cao hơn. Trong khi đó, nguồn ngân sách không phải là “nồi cơm Thạch Sanh”, Chính phủ chi nhiều cho hoạt động chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch, khó có thể chi hơn để hỗ trợ nhóm yếu thế, nghèo nên gây bất ổn an ninh xã hội để lạm phát leo thang trong năm nay.

Về giải pháp kiềm chế lạm phát, TS Nguyễn Quốc Việt nói, ngoài đề xuất lâu nay của chúng ta là ngưng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… đối với xăng dầu, thì nhất thiết phải có giải pháp bình ổn các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, giám sát và ngăn chặn xu hướng tăng giá các dịch vụ cơ bản, thiết yếu, nhất là dịch vụ công. Giám sát và có động thái cảnh báo ngân hàng không nên đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây áp lực chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ giao thông công cộng như trợ giá vé xe buýt 10.000 đồng/tuần cho 1 tuyến hay liên tuyến 20.000 đồng/tuần cho người dân mà nhiều nước phương Tây áp dụng khá thành công. Ngoài ra, theo TS Việt, trong các chi phí đang khiến lạm phát tăng cao, trong rổ CPI, chi cho giáo dục trong mỗi gia đình đang tăng rất cao, đẩy lạm phát “âm thầm” tăng mạnh mà chúng ta đã “bỏ qua”. Tính toán cho thấy, chi học phí sinh viên đại học công trong năm 2020 là 21 - 22 triệu đồng/năm/người, năm 2022 dự kiến tăng gấp đôi, lên 42 - 44 triệu đồng/năm/sinh viên. Đặc biệt, nay một số trường đại học được chuyển sang thu học phí tự chủ cao gấp 2,5 lần quy định nữa. Con số quá lớn. Nếu chúng ta tiếp tục tăng học phí, gánh nặng chi tiêu cho mỗi gia đình tiếp tục thách thức lớn. Đó cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn của áp lực lạm phát, bất bình đẳng tiếp cận giáo dục, bức xúc của xã hội với ngành giáo dục bấy lâu nay.

Theo Nguyên Nga-Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm