Thời sự - Bình luận

Giải “cơn khát” về nhà ở xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động, người có thu nhập thấp và những người khó khăn có chỗ ở ổn định.

Thế nhưng, hiện nay, thị trường nhà ở xã hội đang bị mất cân bằng cung-cầu. Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung nhỏ giọt. “Cơn khát” về nhà ở xã hội khó được giải nếu không có sự quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 của cả nước vào khoảng 2.400.000 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 1.160.000 căn. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng đáp ứng lại rất hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại một hội nghị về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nêu dẫn chứng từ một số thành phố lớn-nơi có nhu cầu nhà ở xã hội rất cao nhưng việc đầu tư xây dựng lại rất hạn chế. Năm qua, Hà Nội mới triển khai được 3 dự án với 1.700 căn (đáp ứng 9%); TP. Hồ Chí Minh triển khai 7 dự án với 4.900 căn (19%); TP. Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn (43%). Ngoài ra, chỉ có 5 tỉnh triển khai nhưng số lượng không nhiều, với nguồn vốn được giải ngân 416 tỷ đồng.

Phát triển nhà ở xã hội là chương trình được Chính phủ ưu tiên để người thu nhập thấp có nhà ở. Thế nhưng, trên thực tế, dường như chính sách nhân văn này vẫn giậm chân tại chỗ. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chương trình phát triển nhà ở xã hội sau 1 năm triển khai chỉ mới giải ngân được 500 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Nhiều địa phương chưa chuẩn bị đủ quỹ đất, chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm. Doanh nghiệp bất động sản cũng không mấy mặn mà với phân khúc này vì chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án chưa hấp dẫn, lợi nhuận thấp, trong khi trình tự thủ tục đầu tư, mua bán nhà ở xã hội còn rườm rà, phức tạp.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đã bàn thảo nhằm tìm giải pháp giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên phân khúc nhà ở xã hội dành cho khách hàng thu nhập thấp và trung bình.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu xác định tiêu chí về năng lực của nhà đầu tư; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người thu nhập trung bình và thấp, công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện cơ chế, chính sách mới về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất… giúp nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi.

Đảm bảo nhà ở cho người dân là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu thị trường bất động sản. Nhu cầu nhà ở xã hội không chỉ ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp mà công nhân, người thu nhập thấp ở hầu khắp các địa phương cũng đang có nhu cầu.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Gia Lai được giao đầu tư xây dựng 3.700 căn nhà ở xã hội. Diện tích đất cần cho chương trình gần 74 ha. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, hiện nay, Gia Lai chưa có dự án nào được triển khai do các chủ đầu tư không đủ điều kiện để cho vay theo quy định.

Trong khi nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người dân vay cải tạo, xây dựng nhà ở được thực hiện thuận lợi thì việc giải ngân xây dựng nhà ở xã hội trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng gặp không ít khó khăn. Trong số 130.000 căn hộ nhà ở xã hội được Chính phủ giao trong năm nay thì Gia Lai được giao hoàn thành 300 căn.

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu này, cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đất đai, tín dụng và các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, xem đó là một cách thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng, chung tay thúc đẩy các chính sách an sinh, tạo điều kiện để người nghèo, người lao động thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp có chỗ ở, việc làm, ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm