Các nhà thiên văn học có thể giải đáp được bí ẩn về cách đám mây Oort khổng lồ, với hơn 100 tỉ thiên thể giống sao chổi, được hình thành.
Hình minh họa một sao chổi từ đám mây Oort đi qua Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA |
Các nhà thiên văn học đã nghiên cứu về 100 triệu năm đầu tiên trong lịch sử của đám mây Oort khổng lồ. Đây là một thực thể lý thuyết chứa 100 tỉ thiên thể giống sao chổi và tạo thành một lớp vỏ hình cầu khổng lồ xung quanh Mặt trời và phần còn lại của Hệ Mặt trời.
NASA mô tả đám mây Oort khổng lồ là "một bong bóng lớn, có thành dày được tạo thành từ những mảnh vụn không gian băng giá có kích thước bằng những ngọn núi và đôi khi lớn hơn".
Đám mây Oort được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Hà Lan Jan Hendrik Oort. Nhà thiên văn học này phát hiện ra đám mây vào những năm 1950 khi đang tìm hiểu tại sao một số sao chổi trong Hệ Mặt trời lại có quỹ đạo kéo dài. Các nhà khoa học hiện tin rằng, đám mây Oort là nguồn gốc của hầu hết sao chổi như vậy.
Đám mây khổng lồ bí ẩn này được cho là ở rất xa Mặt trời, xa hơn nhiều lần so với vùng ngoài của vành đai Kuiper - khu vực của Hệ Mặt trời nằm ngang qua quỹ đạo của sao Hải Vương.
Theo NASA, rìa bên trong của đám mây Oort có khả năng nằm trong khoảng từ 2.000 đến 5.000 AU (đơn vị thiên văn) từ Mặt trời. Rìa ngoài của đám mây khổng lồ này có khả năng cách Mặt trời 10.000 đến 100.000 AU. Để dễ hình dung, vành đai Kuiper chỉ cách Mặt trời khoảng 30 đến 50 AU.
Hình minh họa vành đai Kuiper và đám mây Oort và mối liên hệ với Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA |
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, nhóm các nhà thiên văn học từ Đại học Leiden ở Hà Lan mô tả cách dùng các mô phỏng máy tính phức tạp để xác định cách đám mây Oort hình thành.
Nhóm nhà thiên văn học có cách tiếp cận mới bằng cách bắt đầu các sự kiện riêng rẽ có thể đã xảy ra trong thời kỳ sơ khai của vũ trụ và kết nối lại với nhau. Qua đó, nhóm nghiên cứu vạch ra lịch sử đầy đủ về nguồn gốc của đám mây khổng lồ.
Các mô phỏng của nhóm nghiên cứu xác nhận rằng, đám mây Oort là những gì còn lại của đĩa tiền hành tinh gồm các mảnh vụn và khí để từ đó Hệ Mặt trời hình thành khoảng 4,6 tỉ năm trước.
Đám mây khổng lồ có các vật thể giống sao chổi được tạo thành từ các mảnh vỡ từ 2 nơi trong vũ trụ. Một phần trong số vật thể này có nguồn gốc từ các vùng lân cận của Hệ Mặt trời, chẳng hạn như các tiểu hành tinh bị các hành tinh khổng lồ như sao Mộc đẩy ra. Nhóm vật thể khác trong đám mây Oort đến từ hàng nghìn ngôi sao ở xung quanh khi Mặt trời được sinh ra sau đó trôi dạt ra xa nhau.
Nhân loại vẫn chưa chế tạo được kính thiên văn đủ mạnh để có thể nhìn thấy trực tiếp các vật thể nhỏ, mờ nhạt của đám mây Oort bởi đám mây ở rất xa. Theo một số ước tính, cần những kính thiên văn tốt hơn 100 tỉ lần so với những gì chúng ta có để quan sát được đám mây Oort. Kể cả kính viễn vọng không gian James Webb mới ra mắt vào cuối năm 2021 cũng khó có thể quan sát được xa như vậy.
Con người cũng cần rất nhiều thời gian để đến được đám mây Oort. Như NASA ước tính, giả sử tàu vũ trụ Voyager 1 có thể đi khoảng 1,6 triệu km mỗi ngày cũng cần tới 300 năm để đi tới rìa bên trong của đám mây Oort. Để đi hết đám mây khổng lồ này có thể cần thêm 30.000 năm nữa.
THANH HÀ (LĐO)