Thời sự - Bình luận

Giải mã sức mạnh của công hàm Mỹ gửi lên LHQ phản đối Trung Quốc về Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
PGS-TS Vũ Thanh Ca từ Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng, công hàm của Mỹ vừa gửi lên LHQ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc có giá trị pháp lý, có ý nghĩa rất lớn.
Ông bình luận thế nào về việc ngày hôm qua 2/6 Mỹ lưu hành công hàm ở LHQ phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông?
- Mỹ có những quyền lợi lớn, quyền lợi quốc gia trong duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không và ổn định ở Biển Đông. Thời gian qua Trung Quốc có nhiều hành động leo thang, xâm phạm vùng biển này, bắt nạt chèn ép các nước, có nguy cơ lớn gây mất lòng tin của các nước ở Biển Đông. Trung Quốc cũng có nguy cơ lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, nên Mỹ thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để đưa ra lời phản đối chính thức lên LHQ.
 
PGS - TS Vũ Thanh Ca. Ảnh: Song Minh.
Thời gian qua các quan chức Mỹ như Ngoại trưởng, hay các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đều ra tuyên bố về các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng lần này Mỹ ra một công hàm đề nghị lưu hành ở LHQ. Vậy công hàm này có giá trị pháp lý, có ý nghĩa cao hơn các tuyên bố trước đó không, thưa ông?
- Về pháp lý thì công hàm này có giá trị cao hơn các tuyên bố trước. Mỹ hiện tại chưa phê chuẩn Công ước Luật Biển LHQ 1982 (UNCLOS), xét về luật pháp  bình thường thì Mỹ không hưởng quyền lợi từ UNCLOS. Tuy vậy trong luật quốc tế có Luật tập quán quốc tế, theo đó thỏa thuận giữa các nước mà đã được các nước khác thực hiện nhiều thì trở thành tập quán, hướng dẫn cho các nước khác để thực hiện. Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS vì họ chưa hoàn toàn đồng ý với mọi điều khoản, nhưng Mỹ đã xác lập lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và đang có động thái xác định thềm lục địa theo Công ước. 
Từ khi Công ước ra đời  năm 1982 đến khi có hiệu lực năm 1994, Công ước đã được gần như mọi quốc gia thông qua, tham gia nên đã trở thành tập quán quốc tế quan trọng, nên Mỹ hoàn toàn có tính pháp lý khi gửi công hàm này tới LHQ. Ý nghĩa và tính pháp lý của công hàm đó còn cao hơn các tuyên bố đơn phương trước đây, đặc biệt là công hàm đã phản đối yêu sách Tứ Sa sai trái của Trung Quốc.
Với ý nghĩa như vậy thì liệu công hàm có tác động đến các nước khác?
- Với tư cách là cường quốc mạnh nhất thế giới, Mỹ có rất nhiều đồng minh. Mỹ đóng góp nhiều nhất cho LHQ nên ảnh hưởng của Mỹ trong LHQ và HĐBA là cực kỳ lớn, các động thái của Mỹ từ trước đến nay tác động rất nhiều. Đồng minh thân cận nhất của Mỹ là những cường quốc mạnh nhất thế giới, kể cả EU. Quan điểm của  Mỹ về hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế lại trùng với quan điểm của họ, là nguyện vọng của phần lớn các nước trên thế giới, nên sức nặng của công hàm từ Mỹ là rất lớn. 
Thời gian qua Mỹ có hàng loạt động thái liên quan đến Biển Đông để phản đối các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ông nhìn nhận vai trò của Mỹ ở Biển Đông như thế nào?
- Vai trò bảo đảm hòa bình ổn định của Mỹ trên Biển Đông cực kỳ quan trọng, có thể là quan trọng nhất, không có sự hiện diện của Mỹ thì khó có thể duy trì hòa bình ổn định đó. Trung Quốc có sức mạnh hải quân rất lớn, họ chỉ dè chừng Mỹ mà thôi.  Ta không được phép đánh giá thấp nỗ lực của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia…,  nhưng các nước này chưa phải đối trọng của Trung Quốc. Cần có một nước là đối trọng với Trung Quốc và nước đó có cơ sở chính nghĩa để ủng hộ cho hòa bình ổn định ở Biển Đông, do đó tiếng nói của Mỹ rất quan trọng.
Từ đầu năm đến nay Trung Quốc không ngừng có hành động khiêu khích trên Biển Đông. Liệu có phải Trung Quốc đang đẩy mạnh sự chèn ép để thực hiện các ý đồ của họ?
- Trung Quốc luôn phớt lờ luật pháp quốc tế, theo tôi rất có thể họ muốn rút khỏi UNCLOS. Hiện tại họ vẫn viện dẫn UNCLOS vì đó là cơ sở tạo nên tính chính danh của mình. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục là thành viên của UCLOS thì có càng nhiều nguy cơ đối diện các vụ kiện của các nước xung quanh.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ có những động thái gia tăng trong việc xâm phạm vùng biển các nước, dùng sức mạnh của hải quân và các lực lượng khác, đặc biệt chiến thuật vùng xám – tức là dùng ngư binh, dân binh giả dạng tàu cá để chèn ép các nước. Tàu cảnh sát biển của Trung Quốc có sức mạnh khổng lồ, lượng choán nước 12.000 tấn, cực kỳ khủng khiếp, lớn hơn nhiều tàu khu trục. Nhưng với quyết tâm của các nước xung quanh và nỗ lực hiện nay của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải dè chừng, nếu làm quá mức thì các nước trong khu vực liên kết lại và liên kết với các cường quốc thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản để  ngăn chặn họ.
Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thì quyền lợi của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng phải không thưa ông?
- Nếu rút khỏi UNCLOS Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, nhưng họ sẽ cân nhắc kỹ, vì nếu rút ra họ vẫn được hưởng một số quyền lợi, như luật tập quán quốc tế tôi nói ở trên. Song rút khỏi UNCLOS họ sẽ thiệt nhiều, đặc biệt là vấn đề lòng tin. Rút khỏi UNCLOS thì Trung Quốc tự biến mình thành quốc gia không đáng tin cậy, không tôn trọng luật pháp quốc tế, thoát khỏi quy định của luật pháp quốc tế để tự do hành động, điều đó ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của chính Trung Quốc trong xây dựng hình ảnh của họ.  
Ông có cho rằng sắp tới Trung Quốc sẽ tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông?
- Điều đó rất khó đoán. Trung Quốc luôn đưa ra hành động mà thế giới khó đoán định. Nếu Trung Quốc thực sự muốn xây dựng lòng tin thì họ không nhân cơ hội dịch Covid-19 để triển khai hành động xâm phạm vùng biển của các nước. Nhưng Trung Quốc lại gia tăng hành động trong lúc các nước vất vả chống dịch. Nên hoàn toàn có thể có khả năng Trung Quốc nhân cơ hội này tuyên bố vùng nhận dạng phòng không. Với phản ứng của các nuớc xung quanh như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Mỹ, Trung Quốc phải cân nhắc kỹ. Nhưng theo tôi khả năng tuyên bố ADIZ thời điểm này là khó.
Lúc này Việt Nam cần làm gì để ngăn cản ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ?
- Chính sách của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam vẫn cứ đi theo hướng đó, tăng cường các biện pháp chính trị và ngoại giao. Vai trò của Việt Nam trong ASEAN và HĐBA giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước, do vậy có thể vận động các nước thấy sự sai trái của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Chúng ta cũng có thể đóng góp tạo sự đồng thuận trong ASEAN, tạo nên các nhóm nòng cốt trong ASEAN. Ngoài ra, dù Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng "4 không" nhưng điều đó không ngăn cản Việt Nam hợp  tác với các nước về an ninh quốc phòng, vì thế Việt Nam  nên tăng cường sự hợp tác với các cường quốc để giữ vững chủ quyền của mình.
Xin cảm ơn ông. 
Vĩnh Nguyên (thực hiện/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm