Giải pháp cho 49 hộ dân Lạng Sơn di cư tự do đến Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian gần đây, có 49 hộ, 239 khẩu dân Lạng Sơn di cư tự do đến các xã Yang Trung, Yang Nam, Chơ Long thuộc huyện Kông Chro.

Số dân di cư tự do trên chủ yếu thuộc các huyện của 2 tỉnh là: Đình Lập, Lộc Bình, Bắc Sơn (Lạng Sơn) và 4 hộ Sơn Động (Bắc Giang) lấy vợ sinh con ở Lạng Sơn. Đến nay huyện Kông Chro đã nhập khẩu cho 7 hộ dân thì tạm dừng lại. Đa số dân di cư tự do Lạng Sơn đến Kông Chro tự mua đất của dân địa phương để sinh sống. Theo đánh giá của Công an huyện, số dân di cư tự do này không xâm hại đến rừng, không ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Tuy nhiên, nếu khi được chấp nhận cư trú hợp pháp, số dân di cư tự do đến Kông Chro có thể sẽ tăng đột biến, gây áp lực về đất đai trên địa bàn. Mặc dù vậy, đến nay đa số hộ dân đã tự sang nhượng đất với ý đồ lập nghiệp lâu dài, nếu không được chính quyền địa phương chấp thuận, số dân này vô tình sẽ nằm ngoài vòng quản lý của pháp luật. Nếu dùng biện pháp cưỡng chế về nơi ở cũ lại càng khó khăn nan giải và ít khả thi hơn.

Được biết, số dân cư nói trên thuộc vùng quy hoạch “Trường bắn quốc gia”, trước đây tỉnh Lạng Sơn đã có công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai để xin được quy hoạch bố trí bộ phận dân cư nói trên tại địa bàn tỉnh; tuy nhiên, do không có khả năng quỹ đất để bố trí tái định cư tập trung cho một số lượng lớn dân cư như vậy, ngày 2-10-2008 UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn “Về việc không còn quỹ đất để tái định canh, định cư cho 35 hộ dân của tỉnh Lạng Sơn”.

Mặc dù không được chấp thuận, không được quy hoạch, nhưng dân Lạng Sơn đã tự phát đến địa bàn tỉnh ta mua đất lập nghiệp. Việc xử lý tiếp theo quả là công việc khó khăn phức tạp. Nên chăng chính quyền 2 tỉnh cần có dịp ngồi lại, bàn bạc biện pháp để ổn định số dân nói trên theo giải pháp “sắp xếp dân cư xen ghép” theo tinh thần Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24-8-2006 “Về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo tồn nghiêm ngặt của rừng đặc dụng- giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015;  và Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg, ngày 10-6-2008 “Về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”. Được như vậy, dân cư đã đến sẽ có điều kiện sống tốt hơn, các xã nhận dân sẽ được hỗ trợ theo chế độ 30 triệu đồng/hộ để xây dựng cơ sở hạ tầng, khai phá thêm đất đai,… Như vậy có lẽ khả thi hơn việc trả số dân nói trên trở về địa phương cũ.
Phạm Đức Long

Có thể bạn quan tâm