Giải pháp dạy Ngữ văn cho học sinh dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với các em học sinh dân tộc thiểu số, do khả năng tiếng Việt ít nhiều còn hạn chế nên việc học môn Ngữ văn gặp không ít khó khăn. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đã có những giải pháp hay nhằm giúp các em học tốt bộ môn này.

Thành tích vượt trội mà học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đạt được trong nhiều năm qua là đưa điểm môn Ngữ văn của học sinh nhà trường đứng đầu cả tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia. “Đây thực sự là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm sâu sát của giáo viên đối với học sinh của trường. Bên cạnh đó, thành tích nhiều năm liền có 100% học sinh đậu tốt nghiệp đã chứng minh được hiệu quả của những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc của ngành cũng như của nhà trường”-ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đánh giá.

 

Cô Đinh Thị Như hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài. Ảnh: N.G
Cô Đinh Thị Như hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài. Ảnh: N.G

Trong nhiều năm qua, khi nhận ra những hạn chế của các em học sinh dân tộc thiểu số ở bộ môn Ngữ văn, tổ chuyên môn đã thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học. Cô Đinh Thị Như-Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, cho biết: “Đối với học trò của chúng tôi thì điều cần thiết đầu tiên chính là tấm lòng của thầy-cô giáo. Bởi ngoài năng lực chuyên môn, giáo viên phải luôn để ý đến tâm lý học sinh để có cách giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, trình độ tiếp thu. Giáo viên phải luôn gần gũi, biết lắng nghe, chia sẻ với những thắc mắc để kịp thời giúp các em tháo gỡ khó khăn, ổn định tinh thần, tâm lý nhằm chuyên tâm học hành. May mắn của chúng tôi là tất cả giáo viên trong tổ luôn tâm huyết vì học trò”.

Hàng năm, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh căn cứ vào kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng đầu năm học để phân loại học sinh. Đối với học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, Tổ Ngữ  văn luôn bố trí kín lịch dạy chính khóa và phụ đạo. Việc phân loại học sinh giúp các em nắm bắt được toàn bộ kiến thức phù hợp với năng lực của mình, tạo hứng thú trong quá trình học tập, tránh bị áp lực dẫn đến chán học, sợ học. Trong các phương pháp dạy, các thầy-cô giáo phát huy tối đa tinh thần “học thầy không tày học bạn” khi luôn phân công những bạn có học lực khá giỏi kèm cặp, giúp đỡ những bạn học kém hơn. “Tính cộng đồng trong các em giúp phương pháp này đạt hiệu quả cao, các em thấy thoải mái khi được học hỏi từ bạn mình. Ngoài ra, đây còn là cách rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm cho các em”-cô Như cho biết thêm.

Cũng theo cô Như, để phương pháp học nhóm đạt hiệu quả thì trước hết giáo viên phải xây dựng nền nếp và thói quen tự học cho các em bằng cách hướng dẫn học sinh một số quy định trong việc học tập môn Ngữ văn, yêu cầu các em thường xuyên đọc sách để tích lũy kiến thức; soạn bài, tự xây dựng bài trên lớp; cách ghi chép và học bài kết hợp với phác thảo sơ đồ tư duy... Đối với học sinh khối 12, giáo viên tiến hành ôn tập, giải đề, so sánh đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các năm và chú ý đến những vấn đề thời sự trong xã hội giữ một vai trò quan trọng. “Thầy cô cho chúng em rèn luyện rất nhiều từ đọc hiểu đến viết bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học ngắn. Học nhiều nhưng chúng em không thấy bị căng thẳng hay áp lực. Ngữ văn không phải là bộ môn thế mạnh nhưng chưa bao giờ nghĩ không vượt qua bộ môn này trong kỳ thi THPT Quốc gia vì chúng em đã được thầy cô ôn tập rất kỹ”-em Nông Ngọc Đức (lớp 12A) bày tỏ.

Còn đối với những em có đam mê, có năng khiếu thì được thầy cô bồi dưỡng, giúp đỡ tiếp thêm sự tự tin bằng những buổi đứng trên bục giảng tập làm thầy-cô giáo giảng bài cho các bạn. Em Đinh Thị Hồng Dung-học sinh giỏi văn của trường, thích thú nói: “Cách dạy của thầy cô khiến em rất hứng thú. Chúng em thoải mái tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô nên mỗi tiết Ngữ văn luôn trở thành tiết học mong đợi nhất của em”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm