Thời sự - Bình luận

Giải quyết nghịch lý giá vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7) đã quy định rất cụ thể về danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá. Đó là hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí: thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Trong 9 mặt hàng được đưa vào danh mục bình ổn, không có mặt hàng vàng.

Thế nhưng, những tháng vừa qua, Chính phủ đã phải chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ, ngành tăng cường biện pháp quản lý, điều tiết thị trường vàng trong nước khi mặt hàng này đang có những biến động khác thường. NHNN đã phải lựa chọn một giải pháp không có trong Luật Giá là can thiệp nhằm… “bình ổn giá vàng”. Ứng xử của Chính phủ, cơ quan quản lý cho thấy, nếu không được can thiệp, diễn biến “khác lạ” của thị trường vàng trong nước thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy khó lường.

Báo cáo của các bộ, ngành vừa qua đều cảnh báo về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ở mức thấp - báo hiệu nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua giảm. Chính phủ đang trình Quốc hội về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng và dịch vụ để giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân, từ đó kích cầu tiêu dùng. Vì thế, cảnh tượng từng dòng người dân xếp hàng “rồng rắn” trên nhiều con phố để chờ… mua vàng mang đến sự thể nghịch lý.

Điều bất thường này đã được NHNN lên tiếng trong thông báo phát đi mới đây. Một mặt khuyến cáo người dân tránh mua vàng theo tâm lý đám đông dẫn đến các rủi ro; mặt khác, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an điều tra, làm rõ việc lan truyền thông tin thất thiệt về việc thiếu vàng để bán; có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường, thiệt hại cho nền kinh tế. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra về việc ai mới là chủ nhân thực sự của các giao dịch vàng, là giới giàu có, giới đầu cơ, hay còn vì mục đích khác như “rửa tiền” thông qua kênh vàng?

Trạng thái bất thường của thị trường vàng thời gian qua không chỉ gây khó trong điều hành chính sách của NHNN mà còn có thể tạo ra những “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Cách đây hơn 10 năm, thị trường vàng trong nước cũng từng rơi vào tình trạng nhiễu loạn; mức độ “vàng hóa” trong nền kinh tế rất lớn khi các ngân hàng lập sàn giao dịch vàng, cho vay mượn vàng chéo nhau. Cơn “lên đồng” của thị trường vàng trong nước chỉ “hạ nhiệt” khi NHNN can thiệp mạnh tay và khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành. Và suốt 10 năm sau đó (2013-2022), các nhà đầu tư dường như ít còn quan tâm đến thị trường kim loại quý này khi không còn nhận thấy sự hấp dẫn.

Giờ đây, trước bức tranh thị trường vàng diễn biến phức tạp, từ ngày 17-6, các ngân hàng thương mại nhà nước được cấp phép bán vàng miếng SJC đã chuyển sang cho đăng ký mua vàng online. Cảnh hàng đoàn người xếp hàng chờ mua vàng ở Hà Nội, theo ghi nhận, đã không còn. Cùng với giải pháp bán vàng tình thế vừa qua, NHNN và các cơ quan liên quan cũng đang tiến hành thanh tra 6 đơn vị kinh doanh vàng. Chưa rõ khi có kết quả thanh tra, có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý vì vi phạm hay không, nhưng dư luận đang kỳ vọng, cùng với việc sửa đổi những bất cập của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, giá vàng trong nước thời gian tới sẽ không còn như “con ngựa bất kham”.

Có thể bạn quan tâm