Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa khởi động dự án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thông qua cải thiện khung pháp lý về bảo hiểm xã hội”. Dự án nhằm cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội trong bối cảnh những thay đổi lớn về cơ cấu dân số ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động có bảo hiểm thấp và thực thi luật còn hạn chế.
Dự án sẽ hỗ trợ quá trình cải cách Luật Bảo hiểm xã hội, dự kiến được Quốc hội thông qua trong năm 2014. ILO sẽ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật nhằm giải quyết những lĩnh vực quan trọng, như quỹ lương hưu đang dần cạn kiệt, thực thi luật, cải thiện những gói bảo hiểm ngắn hạn, và bảo vệ người lao động trong nền kinh tế không chính thức thông qua việc kết hợp giữa bảo hiểm tự nguyện và trợ cấp xã hội.
Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki cho biết: “Sửa đổi và cải thiện Luật Bảo hiểm xã hội là một nhiệm vụ cấp bách. Đó không chỉ là hành động cho hôm nay mà còn phục vụ cho tương lai. Chúng ta cần xem xét tác động của cơ cấu dân số lên hệ thống an sinh xã hội và triển vọng việc làm trong tương lai”.
Mặc dù hiện nay giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm là ưu tiên trong ngắn hạn, quá trình già hóa dân số nhanh chóng của Việt Nam đặt ra thách thức nghiêm trọng về lâu dài. Năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, nghĩa là khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết.
Ông Sziraczki khuyến nghị, cuộc cải cách mới này cần bảo vệ được người lao động khi về hưu bằng cách đảm bảo cả người sử dụng lao động và người lao động đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập - thay vì lương cơ bản, theo quy định của Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Theo Thứ trưởng LĐTBXH Phạm Minh Huân, nhiệm vụ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời cần mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội và đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm trên nguyên tắc “đóng và hưởng”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội là một nhiệm vụ khó khăn, vì động chạm tới từng con người và nhiều vấn đề khác của nền kinh tế xã hội.
Theo luật, mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng trên thực tế, việc thi hành luật vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, chỉ 1/5 lực lượng lao động có bảo hiểm.
Theo VOV