Giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông trong học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bước sang giai đoạn II, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” được nhân rộng tại 32 trường tiểu học ở TP. Pleiku và huyện Chư Păh. Đặc biệt, Gia Lai là địa phương duy nhất trên cả nước ban hành quy định về áp dụng tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học tại khu vực thành phố với mục tiêu giảm tối đa nguy cơ tai nạn giao thông cho học sinh.
Đảm bảo an toàn khu vực trường học
Theo ông Kim Beng Lua-cán bộ cấp cao Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu thì bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đối với trường học bao gồm tổng thể các yếu tố: công tác quản lý nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông; phương tiện giao thông qua khu vực trường học; tuyên truyền, giáo dục về ATGT; cưỡng chế thi hành pháp luật về giao thông. Các yếu tố này nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong nội bộ trường học và trên đường đến trường, về nhà.
Theo thống kê, sau hơn 3 năm triển khai, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại Gia Lai đã tiến hành cải tạo hạ tầng đường bộ qua khu vực trường học trong phạm vi 500 m; cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hơn 1.500 m2 mặt đường bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng; xây dựng gần 3.500 m2 hè đường, lối vào, sân bê tông xi măng; đặt 166 biển báo hiệu đường bộ và bổ sung hệ thống đèn chớp vàng, camera quan sát, sơn kẻ đường, vạch giảm tốc, vạch đi bộ, lan can phân cách lối đi bộ và khu vực đỗ xe… Đặc biệt, Gia Lai trở thành địa phương duy nhất trên cả nước đã ban hành quy định về áp dụng tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong bán kính 250 m về bên phải và bên trái trường học: trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên thì xe cơ giới và xe máy chuyên dùng không được chạy quá 40 km/giờ; trên đường 2 chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe cơ giới thì không được chạy quá 30 km/giờ. Quy định tốc độ tối đa này chỉ được áp dụng vào 4 khung giờ cao điểm học sinh đến trường, tan trường (từ 6 đến 7 giờ, 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 15 phút, 12 giờ 15 phút đến 13 giờ, 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút) các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần… Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh-thông tin: “Khu vực xung quanh trường học an toàn được nhận biết bằng biển báo hiệu có trường học mà trong khu vực đó, các yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ cho học sinh trên đường đến trường, về nhà được phòng-chống và giảm tối đa hoặc được loại bỏ”. 
Ban An toàn giao thông tỉnh cùng lãnh đạo Công an, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku họp triển khai giai đoạn II Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”. Ảnh: Hải Lê
Khu vực trường học an toàn ở TP. Pleiku bao gồm các tiêu chí hạ tầng căn bản như: mặt đường bằng phẳng, không có ổ gà, làm bằng vật liệu có thể sơn kẻ vạch trên mặt đường; vỉa hè thông thoáng, đủ rộng cho người đi bộ; biển báo đầy đủ, phù hợp về vị trí và nội dung báo hiệu; vạch kẻ đường rõ ràng, phù hợp về vị trí và nội dung báo hiệu; tầm nhìn thông thoáng, không bị che khuất tầm nhìn; khu vực đỗ xe trước cổng dành cho phụ huynh, học sinh phải bằng phẳng, đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu đỗ xe; hạn chế tốc độ phù hợp với loại đường; tổ chức giao thông hợp lý cho người đi xe đạp và người đi bộ, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Nhân rộng mô hình
Trên cơ sở thành công của giai đoạn I, Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á cùng các đơn vị tài trợ đã tiếp tục hỗ trợ Gia Lai triển khai giai đoạn II của dự án. “Theo đó, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn II được triển khai tại 32 trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Păh, bao gồm 4 hoạt động chính: cải tạo hạ tầng đường bộ qua khu vực trường học; triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng; phát triển và thí điểm giáo trình điện tử về ATGT; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tốc độ”-ông Lê Văn Hạnh thông tin. 
Học sinh xem các bức ảnh tại triển lãm "Gìn giữ khoảnh khắc hạnh phúc trẻ thơ" nằm trong khuôn khổ chương trình "Giảm tốc độ-Trường học an toàn" (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Hòa
Bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku-chia sẻ: “Hiện nay, Phòng đang rất quan tâm vấn đề tìm giải pháp cải tạo môi trường giao thông tại khu vực cổng Trường Tiểu học Ngô Mây và Trường Tiểu học Cù Chính Lan bởi tại đây thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm học sinh đến trường, tan trường. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ góp phần tạo nên nhiều đổi thay tích cực trong đảm bảo trật tự ATGT học đường tại các trường học trên địa bàn thành phố”.
Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku-cho biết: Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các trường không giảng dạy tập trung tại trường. Tuy nhiên, trước đây, Công an TP. Pleiku luôn đặc biệt quan tâm đến ATGT tại các khu vực trường học. “Công an thành phố thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các khu vực tập trung nhiều trường học vào các khung giờ cao điểm học sinh đến trường, về nhà. Với 2 trường triển khi thí điểm giai đoạn I, có thời điểm lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự đã thực hiện kiểm tra tốc độ theo quy định để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định về tốc độ qua khu vực trường học cho người dân. Việc cải tạo hạ tầng giao thông khu vực cổng trường học theo mô hình này đã tạo chuyển biến rất tích cực trên thực tế”-Thượng tá Lưu Đình Cảnh thông tin.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm