Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gian nan tìm “đầu ra” cho tác phẩm nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật “Gia Lai-Sắc màu cuộc sống” khai mạc sáng 15-3 tại thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku), họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai vừa bày tỏ niềm vui mừng trước một sự kiện quy mô, vừa không khỏi cám cảnh vì “đầu ra” quá hẹp của các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trên địa bàn tỉnh.

“Đầu ra” ở đây gồm 2 hàm ý: đưa tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đồng thời bán được tác phẩm để người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề và có thêm động lực sáng tạo. Nhưng chỉ riêng việc quảng bá tác phẩm đã là chuyện không dễ dàng.

Đến nay, Gia Lai vẫn chưa có trung tâm triển lãm văn hóa-nghệ thuật. Do vậy, các nghệ sĩ muốn quảng bá tác phẩm đều phải tự bỏ tiền túi tìm thuê mặt bằng, thiết kế với kinh phí khá lớn. Đây là lý do sau hàng chục năm gắn bó với mỹ thuật và có những cống hiến dày dặn, họa sĩ Lê Hùng mới chỉ tổ chức được 2 triển lãm cá nhân tại TP. Pleiku. Ngoài tham gia triển lãm cấp tỉnh, một số họa sĩ khác loay hoay tìm cách triển lãm nhóm.

“Chúng tôi không thiếu tranh, nhưng bao nhiêu năm qua đều tự vẽ, tự trưng bày. Những “triển lãm 0 đồng” dành cho công chúng”-họa sĩ Lê Hùng chua chát nêu thực trạng. Do công chúng ít có cơ hội thưởng lãm nên việc nâng “gu” thưởng thức cũng như nâng mức cảm thụ nghệ thuật cũng hạn chế. Số người yêu tranh, sẵn sàng đầu tư để đưa nghệ thuật vào nhà đếm trên đầu ngón tay. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã cười buồn khi bàn về vấn đề này: “Nghệ sĩ chúng tôi hầu như phải bơi tự do!”.

Đưa tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng luôn là mong mỏi của các nghệ sĩ. Ảnh: Phương Duyên

Đưa tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng luôn là mong mỏi của các nghệ sĩ. Ảnh: Phương Duyên

Giá trị văn hóa tinh thần phần nào vẫn bị xem nhẹ so với “miếng cơm manh áo” là một thực tế. Không ai chết vì thiếu… cái đẹp. Tuy nhiên, trong định hướng phát triển đất nước về lâu dài, văn hóa đã được yêu cầu đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị; yêu cầu ngành công nghiệp văn hóa cần đẩy nhanh tốc độ phát triển. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nêu rõ mục tiêu phát triển các ngành gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Theo đó, cần phát triển những ngành trên thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.

Quan điểm chung của Quyết định số 1755 là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của giá trị văn hóa. Quyết định cũng đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 là phấn đấu doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; trong đó, riêng đóng góp của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD. Từ đây có thể thấy rõ tầm quan trọng của 2 ngành mỹ thuật và nhiếp ảnh trong việc góp phần hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cũng đã có những động thái tích cực để phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, đó là chú trọng xây dựng thị trường chuyên nghiệp, đa dạng. Đến nay, Bộ đã phê duyệt để Cục triển khai đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030 và đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam” giai đoạn 2020-2030.

Trong khi chờ đợi những tín hiệu khả quan từ các chính sách, đề án nêu trên, một số nghệ sĩ đã chủ động tìm cách đưa tác phẩm đến gần hơn với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Ngoài tổ chức triển lãm trong và ngoài tỉnh, họ tận dụng lợi thế của internet và mạng xã hội để quảng bá cho những “đứa con tinh thần”, nhờ đó có người nhanh nhạy bán tranh qua mạng. Tin rằng, với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, các nghệ sĩ tại Gia Lai sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và tưởng thưởng tương xứng để tiếp tục yên tâm cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Có thể bạn quan tâm