Gian nan vận động học sinh vùng khó ra lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trên địa bàn xã Ia Kriêng-xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Đức Cơ, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện có 3 điểm trường tại các làng: Krai, Grôn và Ga. Với 100% học sinh dân tộc thiểu số, công tác dạy và học tại ngôi trường này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận động các em đến lớp sau kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, với sự cố gắng của tập thể nhà trường, ngay từ đầu năm học, các em học sinh đã đến trường đầy đủ.

Theo lịch học chung của bậc Tiểu học, ngày 28-8, học sinh mới bắt đầu tựu trường. Nhưng ngay từ đầu tháng 8, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện đã thường xuyên có mặt tại trường để chuẩn bị cho năm học mới. Ông Rơ Lan Thúc- Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, mặc dù trường chỉ có trên 150 học sinh mỗi năm học nhưng để vận động các em đi học đầy đủ thì không dễ chút nào.

 

Giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (huyện Đức Cơ) đi vận động học sinh ra lớp. Ảnh: V.C
Giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (huyện Đức Cơ) đi vận động học sinh ra lớp. Ảnh: V.C

Thông thường, trong kỳ nghỉ hè dài ngày, các em học sinh sẽ theo cha mẹ lên nương rẫy nên dẫn đến tâm lý ngại đi học khi vào năm học mới. Để các em tiếp tục đi học, thầy-cô giáo phải thường xuyên có mặt ở từng làng, từng gia đình vận động các em. Đa số các em đều là con nhà nghèo nên bố mẹ cũng ít quan tâm đến việc học của con cái. Vì thế, vừa vận động học sinh lại vừa phải động viên, kêu gọi phụ huynh cho các em đi học. Xác định rõ những khó khăn đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động triển khai những biện pháp duy trì sĩ số ngay từ đầu năm, trong đó vai trò chủ yếu là những thầy-cô giáo trực tiếp đứng lớp.

Hôm chúng tôi liên hệ công tác, trời mưa tầm tã. Cô giáo Phùng Thị Hoàn-Chủ tịch Công đoàn nhà trường và là giáo viên tại điểm trường làng Ga đã có mặt tại làng Grôn-làng đặc biệt khó khăn và xa nhất xã để vận động phụ huynh cho con đi học. Nhận lời tiếp chúng tôi nhưng cô Hoàn cũng không quên dặn: “Mọi người phải mang theo ủng thì mới có thể vào đến làng”. Tận mắt chứng kiến cô Hoàn đi vận động học sinh, chúng tôi lại càng khâm phục cái tâm với nghề của những thầy-cô giáo vùng khó khăn. Cô Hoàn chia sẻ, vào buổi sáng hàng ngày, thay vì đến lớp, các thầy-cô giáo ở đây lại phải đến các làng xa xôi để vận động học sinh. Thầy cô phải nắm bắt rõ hoàn cảnh của từng học sinh, thấu hiểu được những khó khăn của từng gia đình để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp. Mỗi khi đi vận động, thầy cô không quên đem theo một học sinh để làm phiên dịch. Với cách làm này cùng với sự kiên trì, các thầy cô đã vận động được 100% học sinh đến lớp, chuẩn bị cho năm học mới.

Đầu năm học 2017-2018, thầy Rơ Lan Ten được phân công về phụ trách lớp 2B tại điểm trường làng Grôn. Là một giáo viên Jrai có thâm niên nhưng khi được chuyển từ điểm trường trung tâm về điểm trường làng, thầy Ten cũng nhận thấy những khó khăn và thấu hiểu những thiếu thốn của học sinh cũng như những vất vả, khó khăn của các thầy-cô giáo nơi đây. Thầy Ten cho biết: “Địa bàn rộng, lại có gần 5 km đường đất, bụi bặm vào mùa khô và trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa khiến công tác vận động học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Vận động các em đến lớp đã khó mà duy trì sĩ số đến cuối năm học lại càng khó khăn hơn”. Xác định được điều này, thầy Ten và các thầy cô phải động viên nhau cùng vượt qua để hy vọng đem con chữ đến cho trẻ em vùng khó.

Với sự cố gắng của các thầy cô, đầu năm học này, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện đã có 30 em học sinh vào lớp 1. Học sinh ở các khối lớp khác cũng đã tựu trường đầy đủ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng của những thầy-cô giáo nơi đây, ngày khai giảng năm học mới 2017-2018 sẽ là niềm vui thực sự khi các em tiếp tục được đến lớp, đến trường.

Lê Văn Châu

Có thể bạn quan tâm