Cả chục cán bộ ở Đắk Lắk, không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng vẫn mua được nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Bị báo chí phát giác khi rao bán thì làm đơn xin trả lại. Sao lại có chuyện dễ dàng quá vậy?
Chung cư thu nhập thấp ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung |
Cùng một chủ trương về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị, nhưng tại Đắk Lắk, Quỹ đầu tư Phát triển của tỉnh được chọn làm chủ đầu tư chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân như nơi khác. Chung cư thu nhập thấp này có 180 căn hộ, trong đó 140 căn bán, 40 căn cho thuê.
Tuy đất giao có thu tiền, nhưng không qua đấu giá và vốn dùng từ Quỹ đầu tư phát triển nên giá bán căn hộ là thấp nhiều so thị trường.
Vì vậy, đối tượng được mua, thuê phải là cán bộ, công chức, viên chức công tác ở địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, chưa có nhà ở, chưa được mua, thuê nhà ở xã hội hay đang có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích dưới 10m2/người... Nôm na là cán bộ có thu nhập thấp, được thẩm định hồ sơ, phê duyệt thì mới được mua, thuê nhà tại đây.
Cuối năm 2020 công trình hoàn thành thì xuất hiện việc rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Báo chí phản ánh, nhà đầu tư cho biết việc mua bán là trái phép. Chính quyền chỉ đạo, công an vào cuộc xác minh thì có hàng chục cán bộ, công chức xin... tự nguyện trả lại nhà.
Nhiều cán bộ trong số đó nêu lý do trả là vì đã có đất, có nhà... Có cán bộ còn "khai báo trung thực" là: "Nhiều người hỏi mua, chênh lệch hàng trăm triệu nhưng tôi không bán mà trả lại, nhường cho đồng nghiệp".
Nếu các cán bộ này đã có nhà ở, có đất, hoặc thu nhập phải đóng thuế thì sai đối tượng, và việc được mua, thuê chung cư thu nhập thấp ở đây là trái phép. Cần phải thu hồi, xử lý.
Chủ trương xây dựng nhà chung cư thu nhập thấp rất nhân văn: Tạo điều kiện cho dân có thu nhập thấp tại các đô thị (trong đó có cán bộ, công chức) có nhà ở ổn định. Vì vậy, phần lớn chính sách dành cho các dự án này là thông thoáng và nhiều ưu đãi, như cấp đất không qua đấu giá, không thu tiền, cho vay lãi suất không đồng... Ngược lại, nhà đầu tư không được phép buôn bán để kiếm lãi như thị trường bất động sản khác. Đối tượng được mua, thuê phải được xét duyệt hồ sơ, chỉ được mua bán chuyển nhượng sau 5 năm...
Nhưng, thực tế có rất nhiều cán bộ, công chức không thuộc đối tượng thu nhập thấp, đã có nhà ở, có ô tô riêng, thu nhập phải đóng thuế... vẫn tìm cách "lách luật", để giành suất mua, thuê nhà ở xã hội mà lẽ ra chỉ ưu tiên cho người nghèo.
Bởi vậy mới có cảnh trớ trêu là người nghèo vẫn không có nhà ở, mà khu chung cư thu nhập thấp lại ken kín ô tô đậu lấn ra cả đường, hay cán bộ, công chức có nhiều đất, nhà ở vẫn mua được chung cư thu nhập thấp rồi cho thuê, rao bán... như từng xảy ra ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và nay là ở Đắk Lắk.
Đắk Lắk cần phải thanh tra, làm rõ như cách Đà Nẵng. Xử lý nghiêm việc để sai phạm trong quá trình xét duyệt hồ sơ, cho mua, thuê nhà sai đối tượng, trái quy định. Thậm chí truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã lợi dụng chính sách nhà nước để mua bán trái luật.
THANH HẢI (LĐO)