Giáo dân Thanh Hà sống "Tốt đời-Đẹp đạo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, nhiều bà con giáo dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà-Nam-Ninh (bây giờ là các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình)... đã vào xây dựng kinh tế mới tại xã Ia Drăng (huyện Chư Prông). Từ đó dần hình thành và phát triển các họ đạo An Hòa, Hợp Hòa, Hiệp Thắng, Nhân Nghĩa, Sung Queng... Đến tháng 9-2006, giáo xứ Thanh Hà chính thức được thành lập.

“Đến nay, toàn giáo xứ Thanh Hà có hơn 800 hộ với khoảng 2.500 giáo hữu ở các xã và thị trấn thuộc huyện Chư Prông, trong đó có hơn 400 hộ với gần 1.400 người ở xã Ia Drăng. “Kính chúa yêu nước”, chức sắc, chức việc và bà con trong giáo xứ luôn nêu cao tinh thần lương-giáo đoàn kết, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới...”-Linh mục Hoàng Văn Số-Chánh Giáo xứ Thanh Hà, phấn khởi cho biết.

 

Giáo xứ Thanh Hà. Ảnh: H.C

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, bà con giáo dân Thanh Hà thêm tin yêu, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Đến nay, bà con giáo dân ở đây đã xóa được đói, giảm được nghèo. Nhiều hộ đã trở nên khá giả, không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các giáo dân cũng tích cực hướng dẫn những kiến thức khoa học-kỹ thuật sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương trong vùng. Nhờ vậy, bà con người Jrai có thêm điều kiện học hỏi làm lúa nước, gieo trồng các loại rau màu, cây lâu năm và chăn nuôi. Nhiều hộ giáo dân là người Jrai ở họ đạo làng Ben (xã Ia Boòng), làng Sung Queng (xã Ia Drăng)... đã mua sắm được các loại máy móc hiện đại, trồng các loại cây lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu.

Đời sống vật chất và tinh thần càng phát triển, quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng, bà con giáo dân càng yên vui vun đầy đức ái phúc âm. Trong các họ đạo, trong giáo đường hôm nay, bà con giáo dân không chỉ học tập giáo lý, giáo luật, hành lễ, làm từ thiện mà còn tổ chức học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giao lưu văn hóa-văn nghệ, chia sẻ những vui buồn với cộng đồng, làm những công việc dân sinh như thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, họ đạo tiên tiến...

Linh mục Hoàng Văn Số cho biết thêm: Thiên Chúa luôn răn dạy mọi người là phải thảo kính với cha mẹ, không tham tham lấy của người khác, không nói dối, không che giấu sự gian dối... Đó là những điều răn rất phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”. Bởi vậy, rất nhiều họ đạo như: An Hòa, Hợp Hòa, Hiệp Thắng, Nhân Nghĩa... đã nỗ lực thực hiện và được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh.

“Từ những việc làm thiết thực như chăm ngoan học giỏi, tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự, tự giác đóng thuế xây dựng ngân sách, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, tích cực lao động sản xuất... của bà con giáo dân đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các khu dân cư ngày càng giàu mạnh. Nhờ đó mà xã Ia Drăng đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôi mới theo quy chuẩn cũ và đạt 14/19 tiêu chí theo quy chuẩn mới. Để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, cả hệ thống chính trị của xã đang tập trung tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các tiêu chí về giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất trường học, tham gia bảo hiểm y tế...”-ông Phạm Văn Xứng-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng, cho biết.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm