Kinh tế

Nông nghiệp

Giao đất, giao rừng giải pháp giữ rừng hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại nhiều địa phương, cán bộ xã vừa làm chuyên môn lại vừa kiêm nhiệm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp nên hầu hết chủ rừng là các địa phương này đều gặp nhiều khó khăn trong việc giữ rừng.
Khó khăn trong công tác kiêm nhiệm 
Hiện nay, tổng diện tích rừng mà xã Ia Tul (huyện Ia Pa, Gia Lai) được giao quản lý, bảo vệ lên đến 22.576 ha. Địa bàn rộng, lại có diện tích rừng giáp ranh với huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai), Đak Song, Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro, Gia Lai) nên công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu vực này vô cùng phức tạp; càng khó hơn trước tình trạng phá rừng lấy đất làm nương rẫy của những hộ dân từ những địa phương khác đến.
Chính vì vậy, lực lượng bảo vệ rừng của xã kết hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức các đội thường xuyên tuần tra, kiểm tra diện tích rừng quản lý. Đồng thời, lực lượng chức năng của xã cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động tham gia bảo vệ rừng, không phá rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép; triển khai chốt chặn tại các cửa rừng nhằm ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng; phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.
Cán bộ xã ở nhiều địa phương vừa làm công tác chuyên môn nhưng phần lớn thời gian lại dành cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng
Cán bộ xã ở nhiều địa phương vừa làm công tác chuyên môn nhưng phần lớn thời gian lại dành cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Theo anh Nay Gruin-Trung đội trưởng Dân quân cơ động xã Ia Tul, mỗi tuần 1 lần, lực lượng dân quân được cắt cử 4-5 người tham gia cùng với cán bộ xã tuần tra khu vực rừng do xã quản lý bảo vệ. Anh Gruin cho biết, đường sá xa xôi, đi lại vất vả, những lúc mưa gió thì càng khổ hơn. Đoạn đường tuần tra dài khoảng 60 km nhưng có đến 11 con suối mà xe máy không qua được. Để vượt qua trở ngại này, 3-4 người phải vác từng chiếc xe máy qua suối rồi đi tiếp. Khi gặp mưa thì trải tấm bạt ở những lán trại của người dân ngủ nhờ, trời đẹp thì mắc võng vừa ngủ vừa… ngắm sao.
“Mỗi chuyến đi tuần tra rừng, chúng tôi mang theo gạo, xoong nồi để nấu ăn. Đi xe cá nhân nên mỗi lúc hư hỏng phải bỏ tiền ra sửa chữa. Do vậy, chúng tôi nhiều lần kiến nghị với UBND xã tăng thêm tiền phụ cấp cho anh em, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên chưa được giải quyết”-anh Gruin cho hay.
Trong khi đó, ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã Ia Tul (huyện Ia Pa) cũng cho biết: “Mỗi chuyến tuần tra bảo vệ rừng rất vất vả, chúng tôi tranh thủ xuất phát từ sáng thứ 6 đến sáng thứ 2 mới về đến xã, sau đó lại phải bắt tay ngay vào làm công tác chuyên môn”.
Chủ tịch UBND xã Ia Tul cho biết, từ năm 2015, xã đã hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng đối với những khu vực rừng “nhạy cảm”, dễ bị xâm hại cho 6 cộng đồng thôn với diện tích 7.000 ha. Hơn 15.000 ha rừng còn lại xã phải phân bố lực lượng chuyên môn của xã, đoàn thể, dân quân cho đến cán bộ thôn, làng tổ chức thành các đội phối hợp kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng theo kế hoạch. Một tổ đi từ 3-4 ngày, mỗi lần đi khoảng 12 người, phương tiện tự túc. Xã chỉ hỗ trợ tiền công, 150.000 đồng/ngày/người. 
Tương tự, ông Đinh Vâu-Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) cho biết, ngoài diện tích 2.000 ha rừng sản xuất giao khoán cho 5 nhóm hộ người đồng bào dân tộc thiểu số hợp đồng bảo vệ rừng, diện tích còn lại (gần 6.900 ha) xã phải triển khai lực lượng gồm công an viên, cán bộ và dân quân phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
“Tuy nhiên, địa bàn rộng, lại nhiều đồi dốc nên việc tham gia bảo vệ rừng luôn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những khi có thông tin rừng bị xâm hại thì công tác tuần tra kiểm soát được tăng cường ngày đêm. Lúc đấy vừa làm công tác chuyên môn vừa tham gia công tác tuần tra rừng, bảo vệ rừng, rất vất vả”-ông Vâu cho biết.
Hướng đến việc giao đất giao rừng
Theo ông Vâu, từ khi giao khoán rừng cho người dân quản lý bảo vệ, diện tích rừng bị xâm hại giảm đáng kể. Xã chỉ phát hiện một số hộ dân lấn chiếm mở rộng nương rẫy nhưng tổ bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn. “Các thôn, làng làm tương đối tốt công tác tuyên truyền về việc nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng nên hầu như không có diện tích phá mới”-ông Vâu xác nhận. 
Lực lượng chuyên môn của xã, đoàn thể, dân quân cho đến cán bộ thôn, làng thường xuyên phối hợp kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng theo kế hoạch
Lực lượng chuyên môn của xã, đoàn thể, dân quân cho đến cán bộ thôn, làng thường xuyên phối hợp kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng theo kế hoạch. Ảnh: M.N
Trong khi đó, ông Siu Sứ đề xuất tỉnh sớm thành lập Ban Quản lý rừng để quản lý, bảo vệ diện tích rừng này tốt hơn. Bởi, xã Ia Tul có diện tích rừng rất lớn, cán bộ làm công tác hành chính nhưng phần lớn thời gian lại dành cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khẳng định: Kết quả thông qua quy hoạch 3 loại rừng là cơ sở lớn nhất để Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện việc xây dựng đề án giao đất, giao rừng trên đia bàn tỉnh. Đề án này sẽ tập trung giải quyết đối với những diện tích rừng do xã quản lý, mục tiêu hướng đến là giao diện tích rừng, đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng quản lý bảo vệ và sử dụng hiệu quả.
“Làm thế nào mục đích cuối cùng là bảo vệ được vốn rừng hiện có, đồng thời tạo điều kiện cho bà con phát triển lâm nghiệp bằng cách trồng rừng, hưởng lợi từ rừng, có công ăn việc làm từ việc sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng đề án giao đất, giao rừng sẽ được triển khai cụ thể đến từng địa phương, nhất là những đơn vị đang quản lý diện tích rừng lớn”-ông Nhĩ nêu phương án.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm