Giáo dục giới tính cho trẻ: Không bao giờ là quá sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giáo dục giới tính cho trẻ hiện vẫn là một vấn đề mà nhiều phụ huynh xem là khá nhạy cảm và thường bỏ ngỏ trong quá trình nuôi dạy con. Tuy nhiên, trong buổi trò chuyện khá cởi mở tại Khách sạn Sê San (TP. Pleiku), Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng, việc giáo dục giới tính cho trẻ hết sức quan trọng và không bao giờ là quá sớm.

“Luật bàn tay” và “nguyên tắc đồ lót”

Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Trò chuyện cùng con về giới tính” dành cho đoàn viên Công đoàn Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, trước những băn khoăn, lo lắng, ngại ngùng của phụ huynh về việc bằng cách nào để có thể giáo dục giới tính cho con cái một cách hiệu quả, dễ dàng và thoải mái nhất, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng, “luật bàn tay” và “nguyên tắc đồ lót” chính là câu trả lời đầy đủ nhất.

 

Một buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính trên địa bàn tỉnh.
Một buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo bác sĩ Hải, “luật bàn tay” chính là bài học giới tính đầu tiên mà mỗi người làm cha, làm mẹ cần phải dạy cho con mình. Theo đó, bàn tay có năm ngón, tương ứng với năm vòng tròn thể hiện mối quan hệ, giao tiếp của trẻ với người khác. Vòng tròn trung tâm được dành cho những người ruột thịt như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột. Với những người này, trẻ được quyền hoặc cho phép vòng ôm, hôn, bế, cõng, tắm, ngủ chung… Mức độ giao tiếp giảm dần qua vòng tròn thứ hai, thứ ba, thứ tư dành cho họ hàng, thân cận, hàng xóm, đồng nghiệp bố mẹ, người lạ. Đặc biệt, vòng tròn thứ năm dành cho những đối tượng khả nghi, những người đáng ngại, trẻ xua tay, không tiếp xúc. Vòng tay-nắm tay-bắt tay-vẫy tay-xua tay chính là luật vòng tròn thể hiện mức độ giao tiếp của “luật bàn tay” mà cha mẹ cần chỉ dạy cho con ngay từ khi còn nhỏ và thường xuyên nhắc lại nhiều lần cho trẻ nhớ.

“Nguyên tắc đồ lót” là bài học thứ hai, dạy trẻ con cách nhận biết và phòng tránh bị xâm hại. Các bậc cha mẹ cần nắm rõ quy luật này để dạy cho con biết rằng, phần thân thể bên trong đồ lót là “tài sản riêng” của con, không ai có quyền sờ mó, xâm hại ngoại trừ ông bà, cha mẹ, bác sĩ, cô bảo mẫu khi tắm rửa. Và trẻ phải phản kháng, nói không, bỏ chạy nếu cảm thấy người nào đó làm cho mình khó chịu, sợ hãi. Bài học này cần nâng cấp khi trẻ lớn hơn rằng không “đụng chạm” vào vùng đồ lót của người khác dù bằng cái nhìn hoặc lời nói.

Cây tốt cho quả ngọt

Bác sĩ Hải cho rằng, việc những người chưa làm cha, làm mẹ nhưng đã có ý thức tìm hiểu, nghiên cứu về việc giáo dục giới tính cho trẻ là một tín hiệu đáng mừng. Đó là sự chuẩn bị nghiêm túc, đúng đắn, kịp thời bởi giáo dục giới tính chính là giúp cho trẻ hình thành nhân cách ngay từ khi còn nhỏ. Muốn làm được điều đó, chính các bậc cha mẹ phải là người tích cóp, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng một cách kỹ càng và phải là người làm gương vì “cây tốt” mới cho “quả ngọt”.

Lắng nghe chăm chú những chia sẻ thú vị của bác sĩ Hải, chị Huỳnh Phương Thảo (38 tuổi, TP. Pleiku) thích thú bày tỏ: “Những tình huống mà bác sĩ Hải chia sẻ hôm nay, có nhiều tình huống mình đã gặp và cảm thấy rất bối rối khi đối diện. Nhưng sau buổi trò chuyện này, mình đã biết cách phải nói chuyện với các con như thế nào về vấn đề giới tính, tình dục một cách dễ hiểu và đầy đủ”. Tương tự, chị Nguyễn Khánh Ly (29 tuổi, đường Lạc Long Quân, TP. Pleiku) cho hay: “Buổi trò chuyện thực sự là một kênh thông tin quý giá dành cho những người muốn tìm hiểu về giáo dục giới tính cho trẻ như mình”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm