Thời sự - Bình luận

Giáo dục liêm chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những ngày qua, ở khu vực miền Trung rộ lên chuyện vài trường đại học bị "một trường nào đó" bêu xấu bằng nhiều cách, ngay vào mùa cao điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Theo đại diện lãnh đạo các trường đại học bị cạnh tranh thiếu lành mạnh nêu với báo chí, các tài liệu "nói xấu" được phát tán rất nhiều trên mạng xã hội qua một số fanpage mới lập hoặc các trang cá nhân có nick ảo, đồng thời gửi trực tiếp đến nhà phụ huynh và các em học sinh lớp 12 qua bưu điện.

Ngoài bêu xấu "đối thủ", bên tung tin cũng không quên tự ca ngợi mình bằng cách so sánh lợi thế. Theo đó, cái gì của mình cũng tốt, cũng số 1; cái gì của người ta cũng kém, chẳng ra gì. Lộ liễu như vậy nên mới giấu đầu lòi đuôi! Ngay cả các poster về thông tin tuyển sinh của các trường "nạn nhân" ở những nơi công cộng cũng bị poster của trường này dán đè lên...

Mục đích chính là nhằm thu hút học sinh nộp hồ sơ xét tuyển về trường mình sao cho đông; chất lượng dạy - học chưa biết thế nào, cứ "vét" cho thật nhiều tân sinh viên cái đã. Đối với nhiều trường đại học ngoài công lập hiện nay, sinh viên mới chính là "con bò sữa" của trường.

Hạ bệ đối phương để nâng mình lên bằng cách tung tin giả, tin sai sự thật là việc không một cá nhân nào được phép làm, nói gì đến một tổ chức giáo dục - đào tạo. Mà cổ nhân đã dạy rằng "Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu" (Ngậm máu phun người, dơ miệng mình trước), thì ai đang tâm vu vạ người khác tức là đang tự làm ô uế tên tuổi của mình.

Giáo dục ngày càng cạnh tranh gay gắt, không chỉ trong nước mà cả với quốc tế, song phải cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, đạo đức - trình độ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học và thương hiệu của nhà trường, chứ không phải cạnh tranh bằng mọi giá. Tự chủ đại học toàn diện không có nghĩa là thu hút sinh viên - học viên theo kiểu bất chấp, bất chấp đạo lý và bất chấp pháp lý.

Nhà trường còn được gọi là mái trường, từ "mái" này có cùng trường nghĩa với "mái" trong "mái ấm", hàm ý rằng mái trường cũng gần như mái nhà, cùng là nơi vun bồi tri thức và rèn giũa nhân cách cho con người. Học sinh đến trường không chỉ học chữ mà còn học làm người. Các em sẽ nghĩ gì khi ngay ngưỡng cửa vào đời đã phải chứng kiến chiêu trò phản giáo dục của những người làm giáo dục? Còn nhớ, hồi năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp Thanh tra Chính phủ biên soạn bộ tài liệu "Giáo dục đạo đức liêm chính cho học sinh trung học phổ thông", sau đó lồng ghép vào nội dung giảng dạy tại trường (giáo dục công dân, ngoại khóa...). Giữa bao chuyện đắng lòng như đã kể trên, học sinh sẽ tìm đâu thấy cái gọi là "giáo dục liêm chính"?

Sứ mệnh tự thân của giáo dục đã liêm chính và phải luôn liêm chính. Không chỉ là chuyện cạnh tranh bẩn trong tuyển sinh mà tình trạng mua bán bài nghiên cứu khoa học quốc tế râm ran mấy năm nay cũng vừa "xì" ra phần nào, qua các vụ việc cụ thể mà truyền thông đã nêu mấy ngày qua. Đó cũng là một vấn đề của giáo dục liêm chính. Từ đây càng thấy rõ, nếu chỉ hô hào suông và đánh bóng mà không có cơ chế giám sát thực hiện thì giáo dục liêm chính mãi chỉ là bánh vẽ!

Theo Cát Tường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm