Giáo xứ Hòa Phú-Đoàn kết xây dựng cuộc sống mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Lâu nay, bà con Giáo xứ Hòa Phú (huyện Chư Pah) rất vui mừng là được tự do tín ngưỡng, được an bình làm ăn vì lương giáo cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Kinh doanh, sản xuất và chăn nuôi càng thuận lợi; bà con nơi đây càng có thêm những điều kiện cải thiện đời sống và nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ của người Công giáo...”- Linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa-Chánh xứ, Giáo xứ Hòa Phú vui vẻ cho biết.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), thực hiện chủ trương giãn dân của Đảng và Nhà nước, rất nhiều giáo dân ở thị xa Pleiku đã tự giác đi ra vùng đất hoang vu ở phía trên suối Ia Lu (nay là trung tâm xã Hòa Phú) xây dựng vùng kinh tế mới. Sau thời gian dài khai khẩn đất hoang, bà con nơi đây đã tạo lập thành xóm đạo nằm dọc hai bên quốc lộ 14. Đến nay, xóm đạo này đã trở nên trù phú, phát triển lên gần 350 hộ, 1.023 người và đang trở thành Giáo xứ Hòa Phú, thuộc Giáo hạt Pleiku, Giáo phận Kon Tum.

 

Nhà thờ Hòa Phú, huyện Chư Pah. Ảnh: H.C
Nhà thờ Hòa Phú, huyện Chư Pah. Ảnh: H.C

Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, bà con giáo dân nơi đây đã giúp đỡ lẫn nhau thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, xây dựng gia đình, dòng họ, thôn (làng) văn hóa, tập trung xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, đến nay, bà con nơi đây đã xóa được đói, giảm được nghèo và ngày càng có nhiều hộ đã lập được trang trại sản xuất, chăn nuôi quy mô trở nên khá giả như các gia đình: ông Nguyễn Văn Luận, ông Trần Phận (ở thôn 2), ông Hoàng Văn Tư, ông Ba Viên (thôn 4), ông Rơ Châm Lam (làng H’Reng), ông Rơ Châm Phái (làng Bối), ông Rơ Châm Mật (làng Rơ Wa)...

Kinh tế càng phát triển, bà con giáo dân càng hăng say đầu tư công của vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi. Ngoài việc phát triển kinh tế trang trại, nương rẫy, ruộng vườn của gia đình; rất nhiều giáo dân nơi đây còn xin đi làm công nhân cao su, mở mang các cơ sở sản xuất, làm các loại dịch vụ, nhận khoán các hợp đồng kinh tế để giải quyết công ăn việc làm. Nhờ vậy mà đức tin, tinh thần “kính Chúa yêu nước”, mục tiêu “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” ngày càng phong phú và có nhiều ý nghĩa. “Sau gần 40 năm chuyển từ khu Đức An, TP. Pleiku đến khu Ia Lu xây dựng kinh tế mới, gia đình tôi luôn cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất và tích cực lao động sản xuất để nuôi sống bản thân, gia đình, thực hiện nghĩa vụ công dân”-bà Nguyễn Thị Giữ, ở thôn 2 phấn khởi bộc bạch.

Nhờ có tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đi qua địa bàn mà Giáo xứ Hòa Phú ngày càng thêm phát triển. Ý thức được tầm quan trọng này, bà con giáo dân nơi đây luôn nâng cao trách nhiệm khi tham gia giao thông, bảo vệ cầu đường, lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông. Nhiều năm qua, bà con giáo dân nơi đây không phơi nông sản trên mặt đường, không lấn chiếm lòng lề và hành lang đường bộ, không làm hư hại các công trình giao thông... Không những thế, bà con còn kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng và trực tiếp tham gia ngăn chặn nhiều vụ việc khai thác cát sỏi trái phép dưới các chân cầu đường, vận chuyển lâm sản trái phép trên đường, tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng... “Nhờ những thông tin bổ ích của quần chúng giáo dân mà UBND xã Hòa Phú đã kịp thời ngăn chặn, xử lý được rất nhiều vụ việc phạm pháp, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn sự bình yên các khu dân cư”-ông Lê Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Hòa Phú khẳng định.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm