Phóng sự - Ký sự

Giờ cứu nước - Kỳ 2: Bỏ bút để cầm súng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau đêm đầu kháng chiến, cuộc vệ thành Hà Nội ngày càng khốc liệt. “Máu chiến sĩ bảo vệ ngọn cờ độc lập loang đỏ khắp thủ đô”.

 
70 năm đã qua nhưng ông Hoàng Giáp vẫn nhớ quay quắt về những mất mát của đồng đội trong Ngày toàn quốc kháng chiến
70 năm đã qua nhưng ông Hoàng Giáp vẫn nhớ quay quắt về những mất mát của đồng đội trong Ngày toàn quốc kháng chiến


Ngoài lực lượng chính quy Vệ quốc đoàn, đồng bào mọi tầng lớp đã đứng lên, trong số ấy có những bàn tay mới hôm qua chỉ quen cầm bút...

Theo tiếng gọi non sông

“Đoàn thủ đô thề xung phong quyết tử/ Nguyện xả mình cho Tổ quốc quyết sinh/ Nên bao lần vì đất nước điêu linh/ Nghe sôi dậy trong tim dòng máu Việt.../ Nguyện cứu nước thoát khỏi vòng nguy biến/ Tuốt gươm thiêng thề trả mối thù chung...”.

70 năm đã trôi qua với bao đổi thay, nhưng các chứng nhân năm nào vẫn nhớ mãi bài thơ Thủ đô huyết lệ luôn sục sôi trong huyết quản những người lính vệ thành Hà Nội.

Ông Hoàng Giáp kể anh em mình đang học hệ tú tài Trường Bưởi thì gia nhập kháng chiến. Mà lúc ấy cũng đâu riêng gia đình ông, rất nhiều học sinh, sinh viên, trí thức từ Nam ra Bắc đều tạm rời sách vở, cầm súng theo tiếng gọi độc lập của non sông.

Ông nhớ lúc ấy khu đại học ở Đông Dương học xá, Hà Nội, có nhiều tên tuổi hoạt động yêu nước rất nổi bật như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Trần Cửu Kiến...

Những ngày căng thẳng trước giờ nổ súng, họ sáng tác ca khúc và thực hiện nhiều phong trào kêu gọi ái quốc như làm lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng, diễn vở Bạch Đằng Giang, Bóng người núi Lam, Hội nghị Diên Hồng, Hồn sĩ tử...

Những lời hát như “Mây nước linh thiêng còn chép rằng. Thời liệt oanh của bao người trung chánh. Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân. Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần” làm mọi người ứa nước mắt xúc động và máu nóng trong tim cuộn trào.

Hoạt động cách mạng từ năm 1944, ông Hoàng Giáp tham gia khởi nghĩa tháng 8-1945, rồi đi Tây Tiến ngay đợt đầu năm 1946. Khi Hà Nội nổ ra trận chiến 60 ngày đêm, ông lại trở về tham chiến trực tiếp.

“Bố tôi lúc ấy là kỹ sư nông lâm học trường Pháp về, nhiều anh em trong nhà cũng học hành trường Tây nên được người Pháp o bế lắm. Họ hứa hẹn nhiều thứ nếu gia đình tôi theo Pháp, nhưng chúng tôi đã khước từ.

Tuổi trẻ thời bình bây giờ khó cảm nhận được tinh thần yêu nước thời ấy. Thanh niên chúng tôi đều nghĩ mình là một phần của Tổ quốc. Máu xương chúng tôi cũng chính là máu xương của Tổ quốc” - ông Giáp kể.

Khi anh em nhà ông lao vào cuộc chiến khốc liệt, người anh ruột Hoàng Tường Tri của ông đã hi sinh.

Đó là một đêm rét buốt giữa tháng 1-1946. Đội tự vệ Duy Tân của anh em ông Giáp được lệnh sáp nhập vào tiểu đoàn chính quy 64 Vệ quốc đoàn để bổ sung cho số chiến sĩ thương vong.

Đơn vị họ có 96 chiến sĩ, nhưng chỉ có 1 khẩu tiểu liên Sten, 1 carbine, còn lại là 23 súng trường cũ kỹ với không quá 30 viên đạn cho mỗi khẩu.

Hỏa lực mạnh nhất của trung đội này là 130 quả lựu đạn, 2 bom ba càng để chống chọi với trọng pháo, xe tăng, thiết giáp và cả máy bay ném bom...

 

Quân dân Hà Nội dựng chiến lũy trên đường phố Hà Nội - Ảnh tư liệu Q.V. chụp lại
Quân dân Hà Nội dựng chiến lũy trên đường phố Hà Nội - Ảnh tư liệu Q.V. chụp lại


Chiến đấu đến những người cuối cùng

Ông Hoàng Giáp là phái viên tác chiến Bộ chỉ huy mặt trận về nhận nhiệm vụ chỉ huy thay người đã hi sinh.

Họ bố trí trận địa gần nhà thương René Robin (Bạch Mai), vị trí trọng yếu chặn quân Pháp tiến xuống ngã tư Vọng, nối đường Hà Nội với Phủ Lý, Nam Định.

Không phá được vị trí phòng thủ này, quân lê dương dùng trọng pháo và máy bay oanh tạc dữ dội nhiều ngày liền. Nhà cửa, công sự tan hoang, nhưng kháng chiến quân vẫn giữ vững được trận địa.

Suốt đêm 14-1, quân Pháp huy động nhiều lượt tăng, thiết giáp và bộ binh thiện chiến là biệt kích dù mũ đỏ để tiêu diệt quân kháng chiến. Lính Pháp bị đẩy lùi hết đợt này đến đợt khác mặc dù kháng chiến quân rất tiết kiệm đạn.

Đến 10 giờ sáng hôm sau, cả hai bên đều thương vong nặng nề. Quân Pháp sợ mìn, ép dân đi dọn đường, cản mũi súng đối phương.

11 giờ, Hoàng Tường Tri trúng đạn đại liên vào bụng lúc đang cầm súng bắn kẻ thù. Hoàng Giáp ứa nước mắt nhìn anh mình bị mất máu đến chết mà không thể cứu được.

Tiểu đội trưởng Lục và 10 chiến sĩ nữa thương vong. Các đơn vị khác cũng hi sinh rất nặng trước hỏa lực gấp nhiều lần của đối phương. Có đơn vị gần hết người, nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu.

Tối mùa đông ấy, đơn vị Hoàng Giáp cuối cùng chỉ còn 6 người và nữ cứu thương Hoàng Thị Dung. Lát sau, Dung cũng trúng đạn, xạ thủ Hùng lao lên cứu, lại tiếp tục trúng đạn.

Ông Giáp lệnh mấy chiến sĩ còn lại tạm rút trước tiếng hò hét của lính dù “En avant! Dernier coup de balai! Pas de prisonniers!” (Tiến lên! Nhát chổi cuối cùng! Không bắt tù binh). Mình ông Giáp ở lại chặn hậu với khẩu Sten chỉ còn vài viên và 4 quả lựu đạn mà ông đã tính sẽ dành quả cuối cùng để hi sinh với đối phương.

Đột nhiên trong quân Pháp có tiếng hô “Cessez le feu! Rassemblement” (Ngừng bắn! Tập hợp lại!). Nhờ vậy ông mới được sống sót. Thả tay ra khỏi cò súng, ông Giáp bò lên vuốt mắt thi thể đồng đội đang nằm ngửa mặt lên trời.

Nửa đêm, ông tìm về tiểu đoàn. Mọi người đều mệt lả, nhưng không ai chợp mắt được vì thương tiếc đồng đội đã hi sinh.

Theo Tuoitre


Nhiều năm nhắc nhớ tháng ngày vệ quốc bi hùng, không ai có thể biết chính xác có bao nhiêu học sinh sinh viên đã bỏ tay bút để cầm súng đổ máu cho Tổ quốc.

Một buổi chiều đầu đông sau 70 năm kể từ Ngày toàn quốc kháng chiến, tôi đã lặng người ngồi nghe bà Vũ Thị Vượng, con gái gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng, kể lại sự chiến đấu và hi sinh anh dũng của các anh trai mình.

Họ là Vũ Đình Tuân, Vũ Đình Tín, Vũ Chí Thành, đang là sinh viên trường y và các trường khác ở Hà Nội.

Kháng chiến bùng nổ, giáo sư - bác sĩ Vũ Đình Tụng được bổ nhiệm làm giám đốc Nha y tế Bắc bộ nhưng vẫn trực tiếp ra mặt trận, cầm dao mổ cứu chữa thương binh.

Đến một đêm, ông nhận một ca đặc biệt, nhưng phải đành nén khóc vuốt mắt cho thương binh đó ra đi vì vết thương quá nặng.

Đó chính là Vũ Đình Thành, người con trai của ông, trong đội cảm tử quân có nhiệm vụ trừ gian. Thành bị kẻ thù bắn trả, mất máu quá nhiều, trạm cấp cứu tiền phương phải chuyển về trạm giải phẫu trong tầng hầm Bệnh viện Bạch Mai.

Nơi ấy, cha con ông Vũ Đình Tụng và Vũ Đình Tuân đang cứu thương, nhưng không thể cứu được khúc ruột của mình. Trước đó vài tháng, Vũ Đình Tín cũng hy sinh...

Có thể bạn quan tâm