Thời sự - Bình luận

Giỗ Tổ Hùng Vương: Thiêng liêng nguồn cội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sâu thẳm trong tâm hồn người Việt, dẫu ở trong nước hay nước ngoài, Giỗ Tổ là một ngày lễ trọng, hàm chứa ý nghĩa sâu xa, không chỉ giá trị ở chỗ có bao nhiêu tiếng đồng hồ được nghỉ ngơi. Thông thường nếu dịp này được nghỉ dài ngày hơn, nhiều người thường đưa gia đình về đất Tổ dự lễ kết hợp thăm thú, vui chơi.

Phú Thọ long trọng tổ chức Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: TL, LĐO)
Phú Thọ long trọng tổ chức Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: TL, LĐO)

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ chung và là ngày hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ Vua Hùng. 18 Vua Hùng nối đời xây dựng đất nước in đậm trong truyền thuyết và lịch sử ngàn năm của dân tộc. Nhiều cách lý giải về ngày Giỗ Tổ và nhiều chuyên gia sử học cho rằng, ngày Giỗ Vua Hùng rơi vào tiết thu. Còn “bảo chứng” cho ngày tháng hôm nay thì từ năm 1917 khi Vua Khải Định quy định chính thức vào ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm.

Nhưng dẫu gần hay xa và mùa nào đi chăng nữa, Giỗ Tổ luôn là ngày lễ trọng với bao ý nghĩa sâu xa, đẹp đẽ, tự hào: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. 4 câu ca đã thâu tóm đầy đủ thời gian, nguồn gốc, truyền thống, tình cảm, tinh thần người dân đất Việt xuất phát từ một ngày lễ trọng: Giỗ Tổ Hùng Vương.

Kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam còn có những ca dao với nội dung giáo dục truyền thống, nguồn cội ý nghĩa gần gũi tương tự: “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. So sánh, ví von bằng những hình ảnh gần gũi, dễ hiểu, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, câu ca dao chỉ có 14 chữ nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu xa.

Đầu tiên là sự cắt nghĩa có tính xác quyết: Không có gì tự nhiên sinh ra trên đời mà đều phải có xuất xứ, nguồn gốc. Như cây phải có cội (gốc), nếu không có gốc rễ vững chắc, cây không sống được, sẽ đổ. Sông thì phải có nguồn, nơi bắt đầu của dòng chảy, những dòng chảy nhỏ và sông hình thành từ đó. Con người cũng vậy, phải có tổ tiên, ông bà, dòng họ.

Suy rộng ra, 54 dân tộc anh em dù Bắc, Trung, Nam, dù miền ngược hay miền xuôi đều là con cháu Vua Hùng, từ một nguồn gốc mà ra. Đạo lý con người nằm ở chỗ đó, từ biết mình ở đâu mà ra, mà phải biết ơn tổ tiên, ông bà, đấng sinh thành, dưỡng dục nuôi ta khôn lớn nên người. Và để xứng đáng là con cháu Vua Hùng, xứng đáng với tổ tiên, ông bà, truyền thống dòng họ, gia đình, mỗi người tự khắc phải biết làm gì, làm sao cho xứng đáng, làm nhiều điều hay, tránh điều sai quấy. Lớp nghĩa này là sự bắc cầu, dẫn dắt tự nhiên, ẩn sau câu ca dao lời lẽ tự nhiên, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ.  

Cũng với “nền tảng” tinh thần cảm hứng đầy tự hào về lòng yêu nước, truyền thống dân tộc, “gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới”-nhà thơ Tản Đà từng có đôi câu đối: “Có tôn, có tổ, có tổ, có tôn, tôn tổ, tổ tôn, tôn tổ cũ/Còn nước, còn non, còn non, còn nước, nước non, non nước, nước non nhà”.

Một lòng vì nước, vì dân, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, bôn ba tìm đường cứu nước, giành độc lập thống nhất cho nước, tự do hạnh phúc cho dân, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giá trị lịch sử hàng ngàn năm của nước nhà, tự hào và khơi dậy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang của dân tộc. Người kêu gọi: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cũng chính Người huấn thị phải chăm sóc, tu bổ di tích Đền Hùng thật xứng đáng.

Sinh thời, Bác đã 2 lần đến thăm Đền Hùng (vào ngày 19-9-1954 và ngày 19-8-1962). Lời dạy cũng là lời hiệu triệu của Người tại đây hãy còn vang vọng cho đến ngày nay cũng như mai sau: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chính ý nghĩa to lớn và tốt đẹp, từ năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng khi được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình lên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Tự hào là con cháu Vua Hùng, tự hào với lịch sử hào hùng của dân tộc, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Nhân dân các dân tộc Việt Nam đang ra sức lao động, học tập, thi đua cống hiến để sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, xứng đáng với truyền thống của tổ tiên, thỏa mong ước và khát vọng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đảng, nguyện ước của Bác.

Mục tiêu đó đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030-kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045-kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng thịnh vượng và phát triển ấy là gì nếu không phải là khát vọng con cháu Vua Hùng trong thời đại Hồ Chí Minh!

 

 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm