Thời sự - Bình luận

Giới hạn sức chịu đựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Một quận 700.000 dân mà danh sách đưa lên có hơn 600.000 người cần hỗ trợ” - con số được Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đưa ra. Và ông nói “không thể tưởng tượng”.

Trao gói hỗ trợ lần 1 cho người dân ở TPHCM. Ảnh: Anh Tú
Trao gói hỗ trợ lần 1 cho người dân ở TPHCM. Ảnh: Anh Tú
Có rất nhiều con số, nhiều phát biểu về một giới hạn đang có nguy cơ vượt ngưỡng.
Lĩnh vực tỉ USD thuỷ sản chẳng hạn. Đến đầu tháng 9, có 176/449 cơ sở chế biến thuỷ sản phải ngừng sản xuất. Tổng công suất các nhà máy hoạt động chỉ đạt khoảng 30-40%. Hệ quả, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong tháng 8, đến 36% so với cùng kỳ.
Ông Lê Minh Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú - đã nói về một sự “đỗ vỡ” chuỗi giá trị tôm.
Doanh nghiệp nợ đơn hàng, không dám ký tiếp vì chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất. Giờ đã giữa tháng 9, theo ông Quang, nếu bà con nông dân thả nuôi tôm ngay bây giờ cũng không kịp thu hoạch vào cuối năm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho biết, cần 3-6 tháng để khôi phục được 50% công suất và có thể mất đến 2 năm để khôi phục 100% công suất sản xuất. 
Còn dân, nói như Bí thư Thành uỷ TPHCM, “sức chịu đựng của xã hội tới giờ này gần như đến giới hạn, sức chịu đựng nền kinh tế cũng tổn thương”. Và ông cho rằng, “cần phục hồi chứ không thể đóng mãi”.
Không thể không mở cửa, xét ra, không chỉ đúng với TPHCM, không chỉ đúng với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)... Và nó chính là chìa khoá để nhanh chóng phục hồi kinh tế, chìa khoá để người dân, doanh nghiệp không vượt ngưỡng chịu đựng.
Và mở cửa, cần phải tính đến liên kết vùng kinh tế, chứ không thể tiếp tục dựng “biên giới”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa đưa ra một biện pháp chính xác: Như ở ĐBSCL, phải xem 13 tỉnh ở khu vực này là thực thể kinh tế có gắn kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi sản xuất, chứ không phải 13 mảnh ghép hành chính. Chúng ta sẽ khó phục hồi sản xuất nếu tư duy khu vực này là 13 tỉnh riêng biệt.
Phát biểu này xuất phát từ đặc thù của chuỗi hàng nông nghiệp với đặc thù là “hệ thống chằng chịt, đan xen như mạch máu, có rất nhiều thành phần tham gia”. Bởi chẳng hạn một con cá tra “đã liên quan tới 7 tỉnh”. Bởi “ngành hàng gạo thì thương nhân từ tỉnh này sang tỉnh khác để mua bán thóc”. Và vì thế, “chỉ cần một xe hàng tắc ở trạm kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi”.
Khu vực kinh tế phía Nam cũng thế. Khi chia sẻ vaccine cho Bình Dương, Đồng Nai... những người hàng xóm, có lẽ TPHCM cũng biết chắc một sự thật là thành phố không thể an toàn, không thể mở cửa nếu những người hàng xóm không an toàn, nếu vẫn tồn tại biên giới giữa các tỉnh.
ANH ĐÀO (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/gioi-han-suc-chiu-dung-954887.ldo

Có thể bạn quan tâm