Giới trẻ nghĩ gì về "Cánh tay tự sướng"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi việc chụp ảnh tự sướng trở nên phổ biến và ít nhiều gây nhàm chán cho người chụp thì sự ra đời của “Cánh tay tự sướng” (Selfie arm) do hai nhà thiết kế người Mỹ là Aric Snee và Justin Crowe sáng tạo đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người trẻ độc thân lẫn những người mê chụp ảnh tự sướng.
 

“Cánh tay tự sướng” (Selfie arm). (nguồn: internet)

Có chức năng tương tự như gậy tự sướng (selfie stick) nhưng cánh tay tự sướng được thiết kế giống hệt cánh tay của một người đàn ông, giúp người chụp có cảm giác luôn có một người bạn đồng hành. Những bức ảnh chụp bằng cánh tay tự sướng có cảm giác như “hai người” dắt tay nhau đi khắp mọi nơi. Một số người cho rằng, sản phẩm này có thể được xem như một liệu pháp tinh thần, giúp giảm bớt cảm giác cô đơn cho những người chưa tìm được một nửa của mình.

Mặc dù mới xuất hiện trên mạng chưa lâu, “cánh tay tự sướng” đã được đông đảo các bạn trẻ ở Gia Lai cập nhật thông tin với nhiều suy nghĩ thú vị về sản phẩm dành cho những người cô đơn (FA). Bạn Trọng-một chiến sĩ Công an trẻ hài hước: “Tôi thấy sản phẩm này khá thú vị, nhưng nó chỉ hợp với các bạn nữ. Còn các bạn nam ai lại đi chụp với một cánh tay của người đồng giới. Nếu có cánh tay tự sướng thiết kế như tay của nữ tôi sẽ đặt mua về cho cả đội mượn chụp tự sướng cho… đỡ cô đơn”. Mặc dù không phải là dân FA nhưng bạn trẻ Huỳnh Thị Ái Thủy-kế toán trong một công ty mua bán nông sản tại TP. Pleiku lại rất hào hứng với sản phẩm mới phục vụ cho việc tự sướng: “Tôi rất thích chụp ảnh tự sướng trong khi bạn trai tôi thì ngược lại. Còn gì thú vị hơn có những bức ảnh tự sướng một mình mà có cảm giác như “hai mình” để đăng facebook”. Tuy nhiên, Thủy cho rằng, mức giá của sản phẩm này quá cao, bạn trẻ này không có hy vọng sẽ mua để phục vụ ý thích tự chụp ảnh.

 Trong khi cánh tay tự sướng được nhiều bạn trẻ chưa có người yêu nhưng muốn có một cánh tay dắt đi khắp mọi nơi chờ đón, thì một số lại tỏ ra nghi ngờ ý tưởng của nhà thiết kế. Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền-nhân viên bán hàng trong một shop thời trang bày tỏ: “Nhà thiết kế nói rằng đây là sản phẩm dành riêng cho những người cô đơn, nhưng tôi không bao giờ muốn dùng đến cánh tay tự sướng dù cũng là một FA. Tôi thích một bàn tay dịu dàng ấm áp chứ không phải là bàn tay nhân tạo lạnh lẽo. Nó càng khiến tôi thấy cô đơn hơn”. Một số bạn trẻ cũng có cùng ý kiến với Hiền khi cho rằng, cánh tay giả chỉ mang lại cảm giác thích thú tức thời, không phải là giải pháp lâu dài cho “căn bệnh” cô đơn đang rất phổ biến trong giới trẻ.

Cô giáo trẻ Tạ Thị Ngọc Điệp-Thạc sĩ chuyên ngành tâm lý cho rằng, hiện nay nhiều người thường nói đến cụm từ “cô đơn giữa đám đông”, hoặc than thở về nỗi cô đơn trên các mạng xã hội, nhưng họ lại không tìm giải pháp tích cực để vượt thoát khỏi trạng thái cô đơn đó. “Nếu chúng ta không tìm được sự đồng cảm, đồng điệu, chia sẻ giữa con người với nhau, thì một sản phẩm nhân tạo càng không thể khiến con người bớt cô đơn hơn. Hơn nữa, với mức giá quá cao (hơn 6.000 USD), nhiều bạn trẻ dù muốn cũng khó lòng sở hữu. Tốt hơn hết là chúng ta hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị công nghệ, dành thời gian cảm nhận cuộc sống nhiều hơn, cố gắng tạo cho mình cơ hội giao lưu, gặp gỡ với bạn trẻ khác giới để khi cần một bàn tay để nắm sẽ dễ có cơ hội hơn. Dùng cánh tay tự sướng sẽ càng khiến cho những bạn trẻ cô đơn “tự kỷ” hơn. Một bàn tay giả, lạnh lẽo làm sao sưởi ấm trái tim của những người cô đơn”-chị Ngọc Điệp nêu ý kiến.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm